Lựa lời mà nói

11/02/2012 03:31 GMT+7

Việc tôn trọng trong giao tiếp giữa các đối tượng với nhau là điều vô cùng cần thiết. Với đối tượng giao tiếp là “thầy - trò” thì việc tôn trọng ấy lại càng được chú trọng hơn. Câu “Tiên học lễ, hậu học văn” in thành khẩu hiệu, treo lên trường lớp học từ bao thế hệ học sinh, đủ thấy hai từ “lễ nghĩa” ở trường quan trọng như thế nào.

Thế nhưng trên thực tế có rất nhiều trường hợp thầy cô đã cư xử bất tôn trọng với các học trò bằng những lời nói, hành động không hay. 

Tôi vẫn nhớ trường hợp một nam sinh tên D. lớp 10 Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) đã tìm đến cái chết bằng sợi dây điện thoại. Nguyên do các bạn xa lánh và bị thầy giáo mắng. Mỗi khi đến giờ học của thầy giáo chủ nhiệm, nam học sinh này thường phải nghe những lời mắng nhiếc, hay nhận những hành động phi sư phạm như thầy ném vở vào người. Ngoài ra khi dạy lớp khác, thầy giáo này lại thường nhận xét về D. với những lời lẽ không thiện cảm.

Tôi cũng chứng kiến trong buổi báo cáo nghiên cứu khoa học, một sinh viên sau khi kết thúc phần trả lời của mình, thay vì nhận được lời nhận xét từ hội đồng thì một giảng viên thể hiện thái độ bằng một nụ cười đầy mỉa mai, với ánh mắt như muốn nói… “miễn bàn”. Một hành vi rất nhỏ nhưng lại làm sinh viên báo cáo, cũng như những sinh viên khác ngồi dưới khán phòng sững sờ. Bởi có thể trình độ sinh viên chưa được sâu để lý giải vấn đề một cách thỏa đáng, nhưng liệu giảng viên ấy có cần làm một hành động mà ai cũng biết chắc là có ý… xem thường như thế.

Rồi mới đây, một câu chuyện buồn khác khi nữ sinh K.O ở Thái Bình nhảy lầu tự tử trong giờ học. Nguyên nhân cũng xuất phát từ lời nói của cô giáo bộ môn toán. Có thể nữ sinh ấy không hoàn thành những yêu cầu cô giáo đưa ra, nhưng có nhất thiết phải dùng từ ngữ nặng nề để rồi làm tổn thương học trò khiến các em tìm đến một hướng giải quyết rất dại dột và đau lòng như trên.

Kiến thức có thể học qua sách vở, internet nhưng học sinh, sinh viên vẫn phải đến trường, vẫn phải có thầy cô giáo, bởi đơn giản một điều họ muốn và phải học nhiều thứ hơn là kiến thức. Ngoài nghiệp vụ sư phạm, các thầy cô cũng cần có kỹ năng giao tiếp để biết “lựa lời mà nói”, để người thầy vẫn mãi thật sự là hình ảnh đẹp trong ký ức người đi học.

Huỳnh Lê Đức Hợp
 (Đà Nẵng)

Mời bạn đọc gửi bài cộng tác cho chuyên mục Câu chuyện giáo dục trên trang Thanh niên và Giáo dục vào thứ bảy hằng tuần tại địa chỉ cauchuyengiaoduc@thanhnien.com.vn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.