Lửa tuổi trẻ trong bộ phim ký sự đầu tiên của tư nhân

19/12/2014 05:30 GMT+7

Có một đạo diễn, đồng thời cũng là một nhà sản xuất phim tư nhân, ngay ở bộ phim ký sự đầu tay dài 20 tập đã định hướng sẽ “nhen lửa” cho tuổi trẻ hôm nay với những thước phim, câu chuyện về truyền thống cách mạng hào hùng của cha anh.

Có một đạo diễn, đồng thời cũng là một nhà sản xuất phim tư nhân, ngay ở bộ phim ký sự đầu tay dài 20 tập đã định hướng sẽ “nhen lửa” cho tuổi trẻ hôm nay với những thước phim, câu chuyện về truyền thống cách mạng hào hùng của cha anh.

Nguyễn Đức Long (thứ 6, phải qua) và các bạn trẻ tham gia làm phim Ký sự đường Trường Sơn huyền thoại - Ảnh: nhân vật cung cấp   
Nguyễn Đức Long sinh năm 1970 trong một gia đình truyền thống cách mạng tại Quảng Nam. Gia đình đã phải chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, nên dù tốt nghiệp ngành xây dựng (ĐH Bách khoa TP.HCM), Nguyễn Đức Long vẫn ấp ủ được thực hiện những bộ phim về đề tài truyền thống cách mạng. Đó như một cách nhớ ơn các thế hệ cha anh, đồng thời mong muốn các bạn trẻ hôm nay luôn hun đúc chí khí hào hùng.

Miệt mài tích cóp vốn liếng, khi đủ điều kiện anh quyết định thành lập hãng phim Việt Long rồi nghiên cứu, đi khảo sát thực địa và bắt tay vào viết kịch bản. Sau một năm ròng, Nguyễn Đức Long bắt đầu bấm máy bộ phim Ký sự đường Trường Sơn huyền thoại (phim truyền hình 20 tập). Anh chọn 10 bạn trẻ của 10 tỉnh thành trong cả nước với các tiêu chí: phải là đoàn viên thanh niên và đã từng tham gia diễn xuất qua một vài bộ phim. Tại sao lại 10 người, mà không phải là 64 (đủ tất cả các tỉnh thành), Đức Long lý giải: 10 là con số trọn vẹn, vả lại 10 người vào khung hình thì vừa đẹp hơn là 64 người.

Vậy là suốt 100 ngày, đoàn làm phim đi suốt chiều dài của đường mòn Hồ Chí Minh. Xuất phát từ cột mốc Km số 0 (Nghệ An) về đến điểm cuối cùng ở Lộc Ninh (Bình Phước), từng tập phim lần lượt được dựng nên: Con đường huyền thoại mang tên Bác (tập 1: giới thiệu khái quát về đường Trường Sơn), Chúng con về thăm mẹ (tập 2: đến với Bà mẹ VNAH Phạm Thị Trâm, Nghệ An), Mười đóa hoa bất tử, Di ảnh các chị vẫn còn đó (tập 3 và 4: về 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh), Lừng danh một vị tướng (tập 5: về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình), Trường Sơn những ngọn nến (tập 6: ở Nghĩa trang Trường Sơn, Quảng Trị)... Từng tập phim, Nguyễn Đức Long đã đưa các bạn trẻ trong đồng phục áo xanh đoàn viên, mũ tai bèo, quấn khăn rằn về thăm và ôn lại tinh thần bất khuất của thế hệ cha anh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ qua các di tích và chứng tích: sân bay Tà Cơn, nhà lao Pleiku, nhà ngục Kon Tum, nhà đày Buôn Ma Thuột…
Đạo diễn Nguyễn Đức LongĐạo diễn Nguyễn Đức Long
Nguyễn Đức Long kể các bạn trẻ đã không cầm được nước mắt khi đứng trước di ảnh 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, rồi cùng nhau tìm về thăm nhà Nữ anh hùng lực lượng vũ trang La Thị Tám, người từng là đồng đội cùng chốt giữ Ngã ba Đồng Lộc cùng các chị. Trên đường đi, chiếc xe ca chở đoàn làm phim bị bể vỏ sau nên mất lái, chao đảo muốn lật nhưng rồi cũng bình an. Ai cũng cho là có lẽ hương hồn các chị phù hộ. Tuy nhiên, cả đoàn phải ngồi bên vệ đường nhịn đói vì mãi đến 11 giờ đêm mới mua được cặp vỏ khác để thay. Ở Nghệ An, đoàn làm phim được giao lưu với các chiến sĩ Bộ đội biên phòng Đồn 559 (Ngọc Lâm). Về đến Tây nguyên, tại nhà ngục Pleiku, đoàn được bác Trần Chín hiện là Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai kể cho nghe những câu chuyện ngày xưa bác và những đồng chí khác bị Pháp bắt giam, tra tấn ở đó. Về đến miền Đông Nam bộ, đoàn được đốt lửa trại giao lưu văn nghệ với bà con đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo, được nghe già làng kể về những giai đoạn thật khó khăn nhưng cũng thật ngoan cường sát cánh cùng cách mạng của đồng bào S’tiêng…

Sau hơn 100 ngày quay phim suốt chiều dài con đường huyền thoại và 3 tháng làm hậu kỳ, bộ phim đầy nỗ lực của Nguyễn Đức Long và có cả sự cống hiến của các bạn trẻ đã được sự ghi nhận từ nhiều phía. Trước tiên là Trung tâm kỷ lục VN (Vietkings) trao bằng xác nhận bộ phim Ký sự đường Trường Sơn huyền thoại thời hòa bình là bộ phim ký sự đầu tiên do hãng phim tư nhân sản xuất. Nhiều đài truyền hình cũng đã “đặt hàng” để phát sóng bộ phim này nhân dịp 40 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đầu năm 2015 là Đài PTTH Bình Dương, sau đó là các đài PTTH Đắk Lắk, Bạc Liêu, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình… sẽ đồng loạt phát sóng vào khung giờ 20 giờ 30 từ ngày 20.4.2015. Đó cũng là sự động viên cần thiết để đạo diễn Nguyễn Đức Long an tâm tiếp tục theo đuổi mục đích của mình là “nhen lửa” cho thế hệ trẻ hôm nay, đồng thời để khán giả cả nước hiểu thêm về những giá trị lịch sử của dân tộc.

Long cho biết đầu năm 2015 anh sẽ bấm máy bộ phim tài liệu Thời đại Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.