Ngày 29.11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đã được trao cho 6 luận án tiến sĩ sử học xuất sắc nhất của năm.
Trong đó, luận án Hoạt động khai thác mỏ của người nước ngoài ở miền Bắc Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX của TS Trần Xuân Thanh (Trung tâm Biển và hải đảo, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận giải nhất. Đây cũng là mùa thứ 23 giải thưởng do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Quỹ Phạm Thận Duật được trao.
Hai giải nhì được dành cho luận án Vai trò của Ban An ninh T.Ư Cục miền Nam từ năm 1960 đến năm 1975 của TS Lưu Thị Bích Ngọc (Bộ Công an) và luận án Chợ ở tỉnh Nam Định từ năm 1831 đến năm 1890 của TS Bùi Văn Huỳnh (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
3 giải ba thuộc về các luận án: Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam giai đoạn 2002 - 2018 của TS Nguyễn Văn Tuấn (Học viện Chính trị khu vực III); Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam (1954 - 1975) của TS Nguyễn Vũ Kỳ (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) và luận án Nông trường quốc doanh ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1975 của TS Phạm Thị Vượng (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Cũng trong buổi lễ trao giải, cuốn sách Phạm Thận Duật trong dòng chảy lịch sử Việt Nam được ra mắt. Đây là công trình đầu tiên tập hợp nghiên cứu của các nhà sử học trong nước và quốc tế từ 1989 - 2022 về nhân vật lịch sử này. Sách dày 600 trang, với 20 bài viết của nhiều thế hệ sử gia Việt Nam như cố GS Phan Huy Lê, GS-TS Nguyễn Văn Kim, TS Trần Đức Anh Sơn, TS Vũ Đức Liêm, nhà sử học Dương Trung Quốc.
Sách cũng có 3 nghiên cứu quốc tế của PGS-TS Kathlene Baldanza (Mỹ), PGS-TS Bradley Davis (Mỹ) và GS Michel Ferlus (Pháp). Cuốn sách mang lại chân dung tương đối toàn cảnh của Phạm Thận Duật, một nhà tri thức yêu nước Việt Nam với nhiều đóng góp tiêu biểu, mang tầm vóc thời đại trong nhiều địa hạt tri thức quan trọng hoặc lĩnh vực nóng bỏng trong thời đại của ông.
Bình luận (0)