Đề cập đến những vấn đề dân chủ và hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giới thiệu với tòa soạn Báo Thanh Niên bài viết "Luật chống lãng phí đã có hiệu lực" đăng trên Báo Đại Đoàn Kết số 45, ra ngày 13/6/2006.
Ông nói: "Tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết rất sắc sảo và rất thời sự này của nhà báo lão thành Thái Duy với bạn đọc Báo Thanh Niên. Tôi cũng mong các nhà lãnh đạo đất nước, các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước nghiên cứu nghiêm túc vấn đề mà bài báo đề cập".
Nhân đây, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện cũ. Đó là câu chuyện đau lòng về uống rượu trong chiến tranh. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, tình trạng uống rượu say của cán bộ, chiến sĩ ở Khu 9 khá phổ biến, dẫn đến một số tổn thất trong khi bám dân chống bình định đặc biệt của địch. Trước tình hình đó, vào khoảng năm 1970, Khu ủy ra một chỉ thị cấm uống rượu. Một năm sau, nhân kiểm tra tình hình, lãnh đạo Khu ủy phát hiện chỉ thị không có hiệu lực. Cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị vẫn uống rượu, chỉ tránh uống khi có lãnh đạo cấp trên và trong các cuộc họp. Việc này được đem ra bàn trong Khu ủy. Câu hỏi đặt ra là: "Tại sao trên cấm mà dưới các đồng chí cứ uống?". Câu trả lời: "Vì trên chỉ thị cấm uống nhưng trên không nghiêm túc chấp hành, cán bộ trong Khu ủy, Quân khu và cấp khu vẫn uống". Và vấn đề đặt ra là: "Để chỉ thị có hiệu lực, Khu ủy và Quân khu ai cũng phải gương mẫu, dứt khoát không uống. Nếu Khu ủy và Quân khu tự thấy không nhịn được rượu thì nên hủy bỏ chỉ thị, chỉ ra lời kêu gọi thôi". Sau khi bàn bạc, tất cả đều thống nhất: không hủy bỏ chỉ thị. Khu ủy và Quân khu tự nhận khuyết điểm, cam kết không uống rượu và thông báo dứt khoát trong toàn khu.
Khi cấp trên cam kết không uống rượu, bắt đầu từ đó chỉ thị mới được chấp hành nghiêm, suốt từ năm 1971 cho đến năm 1975, toàn khu từ trên xuống dưới không một ai uống rượu.
"Đó là câu chuyện về gương mẫu. Chủ trương đúng là một chuyện, nhưng cấp trên phải làm gương thì mọi người mới chấp hành. Một bài học cách đây trên 30 năm trong kháng chiến, nay vẫn còn nguyên giá trị của nó", ông nói khi đưa cho chúng tôi tờ Báo Đại Đoàn Kết.
Nhận thấy đây là một bài báo nóng hổi tính thời sự trong lúc Quốc hội đang họp thảo luận nhiều vấn đề trọng đại của đất nước và rất phù hợp với Diễn đàn “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ ?” trên Báo Thanh Niên, chúng tôi xin giới thiệu toàn văn bài báo của nhà báo Thái Duy.
Luật chống lãng phí đã có hiệu lực Ngày 6/6/2006, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2006, vì vậy yêu cầu tất cả các bộ, ngành UBND các cấp, các đơn vị khẩn trương triển khai những biện pháp cần thiết và chỉ đạo chặt chẽ để mọi người nhận thức thực hiện đúng, có kết quả với nội dung thiết thực về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Thủ tướng giao cho Bộ Tài chính tổ chức một số đoàn đi kiểm tra các bộ, ngành, địa phương, đơn vị để xem xét đánh giá việc xây dựng và thực hiện Chương trình hành động về tiết kiệm, chống lãng phí. Một lần nữa Chính phủ lại chỉ đạo chính quyền các cấp từ trung ương đến các địa phương phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong dân nhiều người đón nhận tin này với tâm trạng nửa mừng nửa lo, 20 năm qua Chính phủ từng có nhiều chỉ thị chống lãng phí nhưng sau mỗi lần có chỉ thị, nghị quyết, pháp lệnh chống lãng phí thì lãng phí càng trầm trọng hơn trước, công khai lộ liễu hơn, lại vẫn điệp khúc năm sau tăng hơn năm trước. Sau Đại hội Đảng lần thứ X, chẳng lẽ chỉ thị của Thủ tướng chống lãng phí lại vẫn rơi vào quên lãng rất nhanh. Muốn nói và làm đi đôi, rất cần tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, tại sao nhiều nước chống lãng phí tiền của, tài sản Nhà nước rất có hiệu quả, còn ta mới chống cửa miệng, từ nói rất khó đi đến hành động cụ thể. Có hai nguyên nhân được nhiều người bàn đến, xin được trình bày dưới đây: 1/ Ở nhiều nước, các quan chức lãng phí tiền của Nhà nước bị phát hiện, trước hết phải bỏ tiền túi bồi thường ngay, đặc biệt quan chức cấp cao càng phải rất sòng phẳng. Bà M.Sahlin, 38 tuổi, triển vọng sẽ thay ông Y.Carisson vào chức lãnh tụ Đảng Xã hội - Dân chủ và đương nhiên sẽ là Thủ tướng Thụy Điển. Cuối năm 1995, báo chí phát hiện bà đã sử dụng thẻ tín dụng "Eurocard" (thẻ này chỉ dùng để thanh toán những chi phí liên quan đến công tác) để thanh toán một số chi phí cá nhân như mua quần áo, trả tiền thuê xe và thuê phòng ngủ khi đi nghỉ hè... tất cả khoảng 8.000 USD. Bộ phận kế toán nhắc nhở, bà đã thanh toán ngay và thanh minh đã quên vì sơ suất nhưng tiêu chuẩn đạo đức chính trị đặc biệt đối với đảng cầm quyền buộc bà phải từ chức. Một đảng viên khác đã được bầu thay bà làm lãnh tụ Đảng và là Thủ tướng. Tháng 9/1995, Thủ tướng Pháp A.Juppé bị dư luận phê phán kịch liệt kể cả ở Quốc hội về việc con trai ông thuê nhà của Nhà nước được ưu tiên trả tiền nhà thấp hơn mọi người thuê khác 10%. Con trai ông đã kịp thời trả lại nhà để bố không mất uy tín vì con dựa vào quyền lực của bố. Giữa tháng 4/1998, ông Netanyahu, Thủ tướng nước Israel yêu cầu văn phòng nội các ngưng chi trả tiền thuốc lá cho ông và khách của ông sau khi báo Yediot Ahronot tiết lộ khoản chi phí lớn mỗi năm. Ban đầu, văn phòng của ông viện cớ các thủ tướng tiền nhiệm hút thuốc lá và đãi khách đều do ngân sách Nhà nước thanh toán. Báo chí đã đưa ra tài liệu cụ thể để thấy Thủ tướng tiền nhiệm Rabin đã bỏ tiền túi để hút thuốc lá và đãi khách. Đụng chạm đến một đồng ngân sách cũng rất nghiêm ngặt vì vậy chỉ là thuốc lá thủ tướng cũng phải trả lại tiền Nhà nước. Nước ta đến cuối năm 2004, đã có 6.000 xe ô tô mua sắm vượt giá Nhà nước quy định và đương nhiên có 6.000 xe công còn dùng tốt bị loại bỏ. Lên lương lên chức là thay nhà thay xe, nơi làm việc của người tiền nhiệm còn đầy đủ tiện nghi sang trọng vẫn phải loại bỏ để trang bị lại theo ý muốn riêng của lãnh đạo mới đến. Cán bộ một số bộ ngành mắt thấy tai nghe đã nhận xét, lãng phí của công đã đến mức tàn bạo, trắng trợn, tranh thủ ngân sách Nhà nước đang như "của chùa", kể cả vốn ODA để hưởng lạc, thỏa sức xài sang, tài sản công nào cũng vào loại đắt tiền, xa xỉ. Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí đã có hiệu lực, chống lãng phí phải thiết thực, đừng hô hào mãi nữa, kinh nghiệm chống lãng phí của nhiều nước rất bổ ích đối với nước ta. Lãng phí cần tính toán thành tiền, người gây ra lãng phí phải bồi thường, trả tiền một lúc không đủ phải trừ dần vào lương. Chỉ phê bình và tự phê bình chưa đủ, chẳng khác nào đau ruột thừa lại chỉ xoa dầu qua loa. Kẻ gieo gió phải gặp bão, gây ra lãng phí phải quy ra tiền và phải thanh toán đầy đủ như Thủ tướng Israel, Thủ tướng Pháp, bà phó lãnh tụ Đảng Xã hội - Dân chủ, đảng cầm quyền ở Thụy Điển đã làm. Đặc biệt Cục Quản lý công sản của ta tồn tại đã 11 năm phải có thực quyền, Cục cần được củng cố, bổ sung thêm cán bộ có năng lực để căn cứ vào quy chế quản lý công sản, vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng công sản do Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng, Cục có thể dưới sự lãnh đạo của Bộ Tài chính hoạt động độc lập theo đúng chức năng được giao phó. 2/ Nhà nước nào cũng có lãng phí, chỉ khác nhau nhiều hay ít. Nhiều nước, lãng phí tiền của, tài sản Nhà nước có lúc trầm trọng nhưng không kéo dài như ở nước ta vì những người lãnh đạo ngành tài chính phải từ chức hoặc bị cách chức. Còn ở nước ta lại khác hẳn, xe công sang trọng mua vượt giá do Nhà nước quy định "phải bãi sông Hồng mới chứa hết", lãng phí khủng khiếp như vậy cũng chẳng thấy ai chịu từ chức hoặc bị cách chức. 20 năm qua, từ địa phương đến trung ương, các cơ quan quân, dân, chính, đảng chiêu đãi nhau đều dùng bia và rượu thanh toán bằng tiền Nhà nước, đây là một tội lớn đối với nhân dân nhưng cũng không thấy ai từ chức. Chống lãng phí cần nghiêm từ trên, nhân dân rất mong Đảng và Nhà nước có biện pháp nghiêm minh đối với những người quản lý tiền của, tài sản Nhà nước, họ chịu trách nhiệm về tiền của, tài sản Nhà nước đã bị lãng phí đến đỉnh điểm. Tiết kiệm là đức tính truyền thống của dân tộc ta từ thuở dựng nước, tiết kiệm lúc nào cũng là thế mạnh của một nước còn nghèo như nước ta, đặc biệt đi vào cuộc chiến tranh kinh tế, tiết kiệm là một vũ khí sắc bén. Không ngờ ngày nay, tiết kiệm lại trở nên xa lạ đối với bộ máy Nhà nước ta và đặc biệt đối với nhiều cán bộ lãnh đạo nếu biết họ đang dùng ô tô gì, trang thiết bị nơi họ làm việc sang trọng đến mức nào và đi công tác các địa phương đã được đón tiếp chiêu đãi như thế nào. Tiết kiệm càng trở nên xa vời mà lại nói đến nội lực thì chỉ là ảo tưởng, đối với một nước còn nghèo, nội lực trước hết bắt nguồn từ tiết kiệm. Thái Duy (Báo Đại Đoàn Kết ngày 13/6/2006) |
Hoàng Hải Vân
Bình luận (0)