Luật Đất đai có hiệu lực 2 tháng nhưng triển khai còn lúng túng

21/10/2024 11:23 GMT+7

Luật Đất đai 2024, luật Nhà ở 2023 và luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã có hiệu lực 2 tháng, song đến nay cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp vẫn còn lúng túng khi áp dụng.

Sáng 21.10, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo về ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV.

Luật Đất đai có hiệu lực 2 tháng nhưng triển khai còn lúng túng- Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến

ẢNH: GIA HÂN

Báo cáo cho thấy, cử tri và nhân dân bày tỏ tiếc thương vô hạn trước sự việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Hàng vạn người dân đến viếng, xếp hàng dài tiễn biệt cố Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng. Điều này thể hiện lòng dân đối với tấm gương đạo đức sáng ngời, tận trung với nước, tận hiếu với dân, giản dị, liêm khiết, trọn một đời vì Đảng, vì nước, vì dân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cử tri và nhân dân tin tưởng sâu sắc vào sự đoàn kết thống nhất, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tiếp tục lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc.

Thủ tướng: Đến 2025 quy mô GDP Việt Nam đứng thứ 31 - 33 thế giới

Lo ngại nguy cơ tái nghèo sau bão Yagi

Theo Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cử tri và nhân dân bày tỏ đau xót trước sự tàn phá nặng nề của thiên tai, bão lũ trong thời gian vừa qua, đặc biệt là cơn bão số 3 (bão Yagi).

Mặc dù công tác phòng, chống đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các lực lượng và nhân dân chủ động triển khai, nhưng mưa bão quá lớn đã làm chết và bị thương nhiều người, tài sản của Nhà nước, nhà cửa của người dân bị thiệt hại rất lớn. Đến nay, cử tri và nhân dân đang lo lắng đời sống của nhân dân 26 tỉnh vùng núi phía bắc sẽ khó khăn hơn, nguy cơ tái nghèo cao sau bão số 3.

Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước có chủ trương, giải pháp, chính sách căn cơ hơn để đảm bảo an toàn cho nhân dân trước tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ.

Nhận định về nội dung trên, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng, do ảnh hưởng từ bão số 3, nguy cơ mất mùa, thiếu đói, thiếu sinh kế là hiện hữu. Do đó, đề nghị Đảng, Nhà nước cần sớm dành nguồn lực hỗ trợ lương thực, cây con giống, vật tư thiết yếu để nhân dân sớm phục hồi sản xuất, ổn định đời sống.

Luật Đất đai có hiệu lực 2 tháng nhưng triển khai còn lúng túng- Ảnh 2.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 21.10

ẢNH: GIA HÂN

Vẫn còn lúng túng khi áp dụng luật Đất đai

Báo cáo cũng cho biết, cử tri và nhân dân vui mừng khi luật Nhà ở năm 2023, luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, luật Đất đai năm 2024 và các nghị định hướng dẫn thi hành luật đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2024, với nhiều quy định mới, có tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Tuy vậy, dù nghị định, thông tư hướng dẫn đã được ban hành, song sau 2 tháng triển khai cho thấy công tác thi hành 3 luật này vẫn còn vướng mắc, nhiều chính quyền địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền.

Mặt khác, công tác phổ biến, tập huấn, hướng dẫn về các quy định mới của 3 luật này cũng chưa được triển khai đồng bộ, khiến cả chính quyền và người dân, doanh nghiệp đều lúng túng khi áp dụng.

Bên cạnh đó, cử tri là công nhân, người có thu nhập thấp mong mỏi được mua nhà ở xã hội nhưng gần hết năm 2024 mà tiến độ các dự án đầu tư rất chậm, đối tượng được mua nhà ở xã hội cần được xem xét giải quyết kịp thời.

Vẫn theo báo cáo, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ niềm tin tưởng sâu sắc vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nội dung các bài viết, bài phát biểu và những chỉ đạo rất cụ thể của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận được sự quan tâm sâu sắc và đồng thuận cao của cử tri, nhân dân và dư luận trong nước, quốc tế.

Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước đánh giá khách quan nguyên nhân chính, chủ yếu của tình trạng tham nhũng, tiêu cực, kể cả lãng phí để có giải pháp căn cơ phòng, chống hiệu quả hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.