Dù Dự thảo luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất nhiều vấn đề cần phải tranh luận và bổ sung thêm nhưng điều này cho thấy vai trò của khối doanh nghiệp (DN) này đối với nền kinh tế đã và đang được nhìn nhận đúng với vị trí và đóng góp của họ.
Nói “nhìn nhận đúng vị trí và đóng góp” bởi dù chiếm tới trên 95% tổng số DN, đóng góp trên 50% GDP, đặc biệt giải quyết một lực lượng lao động rất lớn trong xã hội nhưng suốt nhiều năm qua, DN vừa và nhỏ (DNVVN) chịu rất nhiều thiệt thòi so với DN lớn, DN ngoại trong việc tiếp cận vốn, tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường, thuê đất, tiếp cận các dịch vụ hành chính công...
Trước đó, cũng có khá nhiều chương trình, dự án hỗ trợ khối DNVVN nhưng hầu hết chỉ mang tính khuyến khích và chung chung nên hiệu quả còn hạn chế. Trong khi hầu hết các nước đều có các chính sách riêng cho khối DN này và coi DNVVN là xương sống của nền kinh tế.
Vì vậy, việc luật hóa hỗ trợ DNVVN là một chủ trương, chính sách hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh chúng ta khởi động chương trình Quốc gia khởi nghiệp để đạt 1 triệu DN vào năm 2020. Bởi chỉ có đưa vào luật thì mới cụ thể hóa được nguồn lực, tài chính, công nghệ, tiếp cận thị trường... một cách rõ ràng, hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN phát triển bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.
Việc luật hóa hỗ trợ DNVVN còn có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Bởi DNVVN được ví như các "đội thuyền thúng ra khơi" khi chiếm đa số là các DN siêu nhỏ. Nhưng dù nhỏ tới đâu, dù ít - thậm chí không có kinh nghiệm, dù vốn mỏng và tiếp cận tín dụng... khó khăn thì khi cánh cửa thị trường mở ra, họ vẫn phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức từ các "ông lớn" trong khu vực và trên thế giới ở đủ mọi lĩnh vực ngành nghề. Nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp thì việc họ bị chèn lấn, bị hất cẳng ra khỏi cuộc chơi trên chính sân nhà là hoàn toàn có thể nhìn thấy trước. Ý nghĩa của việc luật hóa còn ở điểm này.
Vấn đề còn lại của dự luật này là làm sao phải chọn được trọng tâm, trọng điểm, hay nói một cách đơn giản là hỗ trợ đúng, trúng và đến tay DN. Thảo luận tại nghị trường Quốc hội hôm qua về dự thảo luật này, ĐB Lâm Đình Thắng (TP.HCM) cho biết, đa số DN ủng hộ về mặt nội dung nhưng lại chưa tin tưởng hoàn toàn vào tính khả thi của luật trên thực tế. Tâm lý này là hoàn toàn có thể hiểu bởi đã có không ít chương trình hỗ trợ DN triển khai trong thời gian qua nhưng không đến được với đối tượng thụ hưởng.
Cũng không ít trường hợp để được hưởng ưu đãi còn vấp phải thủ tục rầy rà, xin cho, làm khó... Đây là vấn đề cần phải khắc phục khi đưa luật vào cuộc sống để tạo niềm tin cho cộng đồng DN.
Hiện khối DN nước ngoài đang nắm cán cân ở nhiều lĩnh vực. Vì vậy, việc hỗ trợ để xây dựng lực lượng DN Việt mà trọng tâm là DNVVN mạnh là hết sức quan trọng để tạo nội lực cho nền kinh tế về dài hạn.
Bình luận (0)