Trước đó, ngày 22.3, Sở Tư pháp Đồng Nai tiếp tục có văn bản, yêu cầu Đoàn luật sư (LS) Đồng Nai đề nghị các LS thành viên hoạt động đúng phạm vi hành nghề và cung cấp thông tin những tổ chức hành nghề LS cũng như LS bị tố cáo việc xác nhận (làm chứng) tại hợp đồng giao dịch về đất đai để xử lý kỷ luật về đạo đức hành nghề.
"Hiện nay pháp luật không ghi nhận việc làm chứng (xác nhận) cho các thỏa thuận mua bán đất của LS. Việc làm chứng cho các giao dịch là hành động tiếp tay cho hành vi lừa đảo của một số đối tượng. Thời gian vừa qua, nhiều trường hợp làm chứng (ký tên và đóng dấu của LS) là một trong những nguyên nhân gây ra việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của người dân", trích văn bản được ký bởi ông Phan Quang Tuấn, Phó giám đốc Sở Tư pháp Đồng Nai.
Pháp luật không cấm ?
Gợi mở tọa đàm ngày 14.4, LS Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn LS Đồng Nai, cho biết việc LS làm chứng việc mua bán quyền sử dụng đất bằng giấy tờ tay xảy ra hàng trăm trường hợp trên địa bàn tỉnh và nhiều địa phương khác trong cả nước dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội, rủi ro... Tuy nhiên, hiện nay có 2 quan điểm trái ngược nhau. Quan điểm cho rằng việc làm chứng pháp luật không cấm thì LS được phép xác nhận. Ngược lại thì không cho phép LS làm chứng.
Sau gợi mở, nhiều ý kiến của LS (kể cả LS nhiều địa phương khác như Lâm Đồng, Đắk Lắk...) đưa ra nhằm bảo vệ quan điểm được làm chứng. LS Trương Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm Đoàn LS Đồng Nai, cho biết trước đây ông cũng có làm chứng trong giao dịch mua bán quyền sử dụng đất bằng giấy tờ tay, nhưng sau khi Sở Tư pháp Đồng Nai cho văn bản chấn chỉnh nên thôi.
"Nhưng nếu có vài tỉ đồng thì tôi cũng làm chứng vì pháp luật không cấm. Tôi không tranh phần của công chứng, chứng thực mà chỉ là người làm chứng biết sự việc mua bán. Đây là một dịch vụ pháp lý mà LS được phép thực hiện", LS Dũng lý giải.
Đồng quan điểm, LS Lưu Văn Tám, Phó chủ nhiệm Đoàn LS Bà Rịa-Vũng Tàu, viện dẫn khoản 5 điều 22 luật LS quy định "được thực hiện dịch vụ pháp lý khác". Mà dịch vụ pháp lý ở đây hiểu theo khoản 1 điều 30 luật LS gồm "xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật". Từ đây, LS Tám đặt vấn đề: "Vậy LS có làm chứng được không? Theo luật thì làm được".
Ngoài ra, nhiều quan điểm đưa ra nhằm ủng hộ cho phép LS làm chứng như giúp đỡ người dân xác nhận, khi họ không đủ điều kiện mua bán (khu vực bị quy hoạch, không đủ diện tích tách thửa… ), có nơi an cư; việc làm chứng diễn ra rất nhiều nhưng chưa có quy định xử phạt, luật pháp nhiều nước trên thế giới cho phép LS làm thay cả công chứng…
Bài học TP.HCM còn "nóng hổi"
Trong khi đó, LS Nguyễn Đức, Đoàn LS Đồng Nai, viện dẫn nhiều vụ làm chứng của LS gây hậu quả cho xã hội, mất uy tín trong giới LS như vụ Nguyễn Đình Chính vẽ dự án "ma" phân lô bán nền đất nông nghiệp xảy ra tại Đồng Nai, lừa đảo khách hàng lên đến hàng chục tỉ đồng. Liên quan vụ việc, cơ quan công an phát hiện một văn phòng LS (tại TP.HCM, có chi nhánh đóng tại Đồng Nai) soạn thảo và đóng dấu với tư cách người làm chứng vào 54 hợp đồng chuyển nhượng.
"Hiện nay, không có quy định nào cho phép LS làm chứng. Mặt khác, khi tiếp cận vụ việc, hơn ai hết LS phải biết rõ giao dịch mua bán ở đây hoàn toàn trái luật vì chưa đủ điều kiện. Đoàn LS cũng từng tổ chức tọa đàm với nội dung tương tự và Sở Tư pháp khẳng định việc làm này (LS làm chứng) là sai", LS Đức bức xúc.
PGS-TS Hồ Xuân Thắng, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, dẫn quy định pháp luật để phản bác quan điểm của LS Lưu Văn Tám. Ông Thắng cho rằng LS Tám vận dụng khoản 1 điều 30 mà quên khoản 2 điều 30 quy định: "Khi thực hiện dịch vụ pháp lý khác, LS có quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan". Luật pháp liên quan trong những trường hợp này, theo ông Thắng, là luật Đất đai và luật Kinh doanh bất động sản đều buộc khi giao dịch phải công chứng, chứng thực. "Và trong 2 luật này đều không hề có quy định nào cho phép LS tham gia làm chứng trong hợp đồng mua bán", ông Thắng đúc kết.
Kết thúc buổi tọa đàm, bà Đặng Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), cũng phân tích khoản 1 điều 30 luật LS quy định LS được "xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật", được hiểu xác nhận giấy tờ giao dịch mang tính nội bộ, mà pháp luật không cấm. Còn việc mua bán bất động sản thì pháp luật khác đã điều chỉnh, nên nếu LS làm chứng là vi phạm.
Tuy nhiên, bà Hoa cho biết sẽ ghi nhận những ý kiến của LS để rà soát phạm vi hành nghề của LS, nếu cần thiết thì sửa đổi, bổ sung.
LS Lê Hồng Nguyên, Trưởng cơ quan đại diện Liên đoàn LS VN tại TP.HCM, nhắc lại cách đây vài năm, nhiều văn phòng thừa phát lại tại TP.HCM đã lập vi bằng xác nhận vào hợp đồng mua bán bằng giấy tờ tay việc giao nhận tiền dễ gây hệ lụy cho xã hội, phá vỡ quy hoạch. Sau đó, năm 2019, Sở Tư pháp không cho phép thừa phát lại lập vi bằng việc mua bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền hoặc lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.
Tại tọa đàm, một số điều tra viên, kiểm sát viên cũng phân tích sâu về nhiều gánh nặng cho xã hội qua việc mua bán đất đai bằng giấy tờ tay như phát sinh xây dựng trái phép, tranh chấp, khiếu kiện và kể cả lừa đảo chiếm đoạt tài sản. "Khi họ tìm đến LS nhờ làm chứng, hơn ai hết người LS biết rõ đất đai giao dịch chưa đủ điều kiện chuyển nhượng nhưng lại xác nhận vào, liệu có nên không? Người dân khi đi giao dịch thấy LS đứng ra làm chứng và đóng dấu thì họ rất tin tưởng hợp đồng", kiểm sát viên Lê Văn Cao, Viện KSND tỉnh Đồng Nai, phát biểu.
Ông Cao cho biết Viện KSND đang thụ lý nhiều vụ liên quan đến việc làm chứng của LS, trong đó có trường hợp một LS làm chứng cho người khác bán 1 mảnh đất cho 4 - 5 người.
Bình luận (0)