Luật xa vời vợi

05/11/2013 03:00 GMT+7

Pháp luật không phải là công cụ để tuyên bố chính sách mà để điều chỉnh hành vi. Một chính sách sẽ rất khó đi vào cuộc sống, nếu các đối tượng bị điều chỉnh không nhận được những mệnh lệnh rõ ràng của pháp luật về việc phải làm gì và làm như thế nào.

Lấy tuyên bố về chống tham nhũng, lãng phí làm ví dụ. Tuyên bố này ít có ý nghĩa thực tiễn, nếu luật Phòng chống tham nhũng, luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không đưa ra được những quy định về việc đối tượng điều chỉnh sẽ thực hiện việc này thế nào.

Vẫn biết, việc “dịch” chính sách thành những mệnh lệnh lập pháp rất khó khăn. Nhưng nếu luật Thực hành tiết kiệm, chống phí đã thi hành tới 8 năm mà tình trạng lãng phí vẫn “nghiêm trọng” thì phải hiểu rằng, chính sách đã bị “dịch” sai.

Tuy nhiên, theo dõi thảo luận ở QH sẽ thấy, việc sửa đổi luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn bước theo vết xe của luật 2005. Luật quy định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên, điều đó đúng. Nhưng điều chỉnh cả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân là rất không cần thiết và không đúng. Việc của cá nhân phải do mỗi cá nhân quyết định phù hợp với quy định dân sự. Chính vì xác định phạm vi không đúng, nên luật vì thế đã chỉ có thể đưa ra những điều khoản mang tính động viên, khuyến khích, hầu như không có chế tài hành vi - chỉ dấu đầu tiên, quan trọng nhất của một văn bản luật.

Tương tự như vậy, đối tượng điều chỉnh của luật cũng không rõ ràng. Lẽ ra, luật phải điều chỉnh đối với cá nhân cụ thể là tác giả hành vi lãng phí, người có quyền sử dụng các nguồn lực, quyết định chi tiền, quyết định đầu tư… thì lại điều chỉnh “cơ quan, tổ chức”. Chính vì vậy mà chỉ trong 7 tháng đầu năm 2013, hệ thống kho bạc nhà nước phát hiện 663 tỉ đồng chi thường xuyên chưa đủ điều kiện, nhưng cũng giống như suốt 8 năm nay, chả có cá nhân nào bị chế tài theo luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chứ chưa nói đến hàng nghìn tỉ đồng bị lãng phí theo những quyết định đầu tư sai, hay những công trình không có hiệu quả sử dụng.

Các chế tài hành vi trong dự thảo luật cũng được biết đến là rất chung chung. Ví dụ gây lãng phí thì phải “giải trình”; bồi thường thiệt hại; xử lý hành chính hoặc truy cứu hình sự. “Giải trình” là trách nhiệm của cán bộ, công chức, không phải là chế tài xử phạt. Bồi thường thì bồi thường thế nào, bao nhiêu? Gây lãng phí đến mức nào thì xử lý hành chính, mức nào thì truy cứu hình sự? Hoàn toàn không có quy định.

Pháp luật điều chỉnh hành vi, mà hành vi đối tượng thì không rõ, chế tài cũng chung chung. Hỏi làm sao luật chẳng xa vời vợi.

An Nguyên

>> Quốc hội thảo luận về phòng chống tham nhũng năm 2013
>> Chống tham nhũng từ gốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.