Lực lượng tàu ngầm đáng gờm của Hàn Quốc

Văn Khoa
Văn Khoa
05/05/2018 08:31 GMT+7

Giới chuyên gia cho rằng trong khoảng 30 năm qua, Hàn Quốc đã phát triển một lực lượng tàu ngầm linh hoạt với khả năng ngày càng lợi hại.

Trong bài phân tích vừa đăng trên chuyên san The National Interest (Mỹ), nhà bình luận Kyle Mizokami thông tin chính phủ Hàn Quốc quyết định thành lập một lực lượng tàu ngầm vào năm 1988, sau khi hải quân nước này đã có một số khu trục hạm, tàu hộ tống, tàu đổ bộ, tàu tuần tra và tàu quét thủy lôi.
Khoảng một năm sau, Hàn Quốc mua một chiếc tàu ngầm thuộc Type 209 do Đức đóng. Đây là lớp tàu chạy bằng điện-diesel, có chiều dài khoảng 64 m, độ choán nước 1.285 tấn và thủy thủ đoàn 35 người. Tàu có thể được trang bị 8 ống phóng ngư lôi và 28 thủy lôi. Đến năm 1993, Hàn Quốc đưa vào biên chế chiếc tàu ngầm đầu tiên, mang tên Chang Bogo. Hàn Quốc đóng thêm 9 chiếc Type 209, được nước này gọi là tàu lớp Chang Bogo, với chiếc thứ 2 và thứ 3 vẫn sử dụng phụ tùng được chuyển từ Đức. Những chiếc Type 209 sau đó dần dần được thay bằng phụ tùng Hàn Quốc, trong đó có một số chiếc còn được cải biến để có thể phóng tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ sản xuất. Chiếc cuối cùng thuộc lớp Chang Bogo được đưa vào biên chế hồi năm 2001. Theo chuyên san The Diplomat, hải quân Hàn Quốc đang có kế hoạch nâng cấp 9 tàu ngầm Type 209 với hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP) để tàu có thể lặn lâu hơn.
Hàn Quốc sắp hạ thủy tàu đổ bộ tấn công
Cơ quan phụ trách chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc hôm qua thông báo nước này sẽ hạ thủy tàu đổ bộ tấn công mới vào ngày 14.5, theo Yonhap. Đây là chiếc thứ 2 thuộc tàu đổ bộ lớp Dokdo, dài 199 m và có độ choán nước 14.000 tấn. Loại tàu này có thể chở theo 720 lính thủy đánh bộ, 200 xe (kể cả xe tăng) và 10 trực thăng.
Tàu lớp Chang Bogo thuộc giai đoạn 1 (KSS-I) trong chương trình phát triển tàu ngầm của hải quân Hàn Quốc. Trong giai đoạn 2 (KSS-II), bắt đầu vào năm 2000, Hàn Quốc cũng đóng 9 chiếc và dựa vào loại tàu lớn Type 214 của Đức. Tàu 214, được Hàn Quốc gọi là tàu lớp Son Won-il, có chiều dài 65 m, độ choán nước 1.800 tấn và thủy thủ đoàn 40 người. Đây là tàu ngầm đầu tiên của Hàn Quốc được trang bị AIP nên có thể lặn liên tục dưới nước trong 2 tuần. Chiếc cuối cùng thuộc lớp Son Won-il được hạ thủy hồi tháng 9.2017. Khi đó, giới chức Hàn Quốc mô tả chiếc tàu mới, được đặt tên Sin Dol-seok, là “dao găm chiến lược”, có thể tấn công chính xác các mục tiêu. Tàu Sin Dol-seok được trang bị tên lửa hành trình Hàn Quốc, với tầm hoạt động 1.000 km. Hải quân Hàn Quốc dự kiến đưa vào biên chế chiếc Sin Dol-seok vào năm 2019 và khi đó, lực lượng này sẽ có tổng cộng 18 tàu ngầm, theo Yonhap.
Khi giai đoạn 2 sắp kết thúc, từ tháng 11.2014, Hàn Quốc bắt đầu đóng tàu ngầm cho giai đoạn 3 (KSS-III). Tàu mới, được gọi là lớp Chang Bogo-III, có độ choán nước 3.000 tấn, lớn hơn nhiều so với tàu thế hệ thứ nhất. Đây là tàu ngầm nội địa đầu tiên của Hàn Quốc, được trang bị ngư lôi và 6 ống phóng thẳng đứng có thể phóng tên lửa đạn đạo nước này Hyunmoo-2, với tầm bắn 500 km. Theo The National Interest, hiện có nhiều câu hỏi được đặt ra là liệu vào một ngày nào đó, tàu KSS-III có thể mang theo vũ khí hạt nhân hay không. Gần 60% người Hàn Quốc được hỏi tin rằng nước này nên xây dựng lá chắn hạt nhân cho chính mình. “Tàu KSS-III sẽ là một nơi có thể trữ lá chắn hạt nhân của Seoul, có thể an toàn từ đạn pháo, biệt kích và thậm chí các cuộc tấn công hạt nhân của CHDCND Triều Tiên”, nhà bình luận nói trên Kyle Mizokami nhận định. Theo kế hoạch, hải quân Hàn Quốc đóng tổng cộng 9 chiếc KSS-III, trong đó 3 chiếc đầu tiên sẽ được đưa vào biên chế trong giai đoạn 2020 - 2024 để thay thế tàu lớp Chang Bogo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.