Trong thực chất, yêu sách chính là chính phủ của bà Yingluck từ chức để nhường chỗ cho một Hội đồng nhân dân chấp chính vẫn không được đáp ứng. Hơn nữa, những bước đi khôn khéo về chính trị cho tới nay của bà Yingluck nhiều khả năng còn làm cho cơ may thắng cử của phe chống đối ngày càng mong manh.
Bà Yingluck đã sử dụng "những biện pháp dân chủ" để đối phó cuộc đấu tranh quyền lực bằng "những biện pháp phi dân chủ" của phe chống đối. Nhượng bộ của bà là sách lược lùi để tiến. Phe chống đối kích động dân chúng biểu tình phản đối và sử dụng cả bạo lực để lật đổ chính phủ thì bà Yingluck lại sử dụng quy trình dân chủ trên chính trường và trong xã hội để tranh thủ cử tri.
Phe chống đối gia tăng đối địch để kích động nhà vua và giới quân sự phải thể hiện rõ thái độ và can thiệp trực tiếp vào chính trường thì bà Yingluck Shinawatra lại xuống thang đối đầu để làm cho cả nhà vua lẫn giới quân sự nhận thấy chính phe chống đối chứ không phải chính phủ chủ định hủy hoại nền dân chủ và là thủ phạm gây ra khủng hoảng. Đó là cách để nhà vua và giới quân sự tiếp tục đứng ngoài cuộc hoặc nếu có can dự trực tiếp thì cũng bất lợi cho phe chống đối.
Bà Yingluck tuyên bố giải tán quốc hội và ấn định ngày tổng tuyển cử vì nắm chắc rằng các đảng phái chính trị thuộc phe mình sẽ lại đắc cử. Phe chống chính phủ đã tự để mất đi cơ hội thắng bằng biện pháp dân chủ.
La Phù
Bình luận (0)