Theo nhóm nghiên cứu của Đại học GTVT, nguyên nhân lún trên nhiều tuyến đường thời gian qua do công tác thiết kế áo đường chỉ chú trọng vào tính toán các chỉ tiêu về cường độ mà chưa chú ý đến mặt cấu tạo của kết cấu áo đường (mác của nhựa, các loại vật liệu sử dụng làm lớp mặt, lớp móng), độ bền mỏi, độ bền lún vệt bánh xe, ảnh hưởng động của xe tải nặng... Nhóm nghiên cứu phân tích, kết cấu áo đường thường được sử dụng giống nhau trên toàn tuyến, trong khi tại vị trí các nút giao, ngoài chịu tác động của lực thẳng đứng, mặt đường còn chịu tác động của lực ngang. Lực ngang này đạt trị số lớn nhất khi hãm phanh đột ngột. Chính vì vậy, các hư hỏng lún, trồi nhựa thường xuất hiện phổ biến tại các nút giao.
Một nguyên nhân khác, theo nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, lưu lượng và tải trọng xe gia tăng đột biến dẫn đến đến tình trạng mặt đường nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng như nứt, lún vệt bánh xe, trồi nhựa, đặc biệt ở các vị trí nút giao thông, đường vào nút và trên các làn có xe tải trọng nặng lưu thông. Còn theo một chuyên gia thuộc Hội Cầu - đường - cảng TP.HCM, nguyên nhân của hiện tượng mặt đường bị trồi nhựa tạo hai vệt bánh xe có thể là do các tác nhân cộng dồn tạo nên, bao gồm cấp phối trong lớp mặt bê tông nhựa chưa đạt yêu cầu...
Mai Vọng
Bình luận (0)