Một phần “hố tử thần” xuất hiện trưa 28.8 ngoạm vào giữa nhà ông Vũ Đức Dũng - Ảnh: Hà An |
Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn đang lúng túng chưa biết khắc phục ra sao.
Xuất hiện thêm nhiều vết nứt, hố tử thần
|
Đứng trên miệng hố mới “há mồm” vào trưa hôm qua 28.8 ở xã Ninh Dân, chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước hố sâu hun hút gần 10 m, rộng chừng 4 m2, tiếp nối với miệng hố vừa được lấp trong buổi sáng. Miệng hố mới ngoạm quá nửa vào phòng khách nhà ông Vũ Đức Dũng.
“Sáng qua, UBND H.Thanh Ba đã cho chở hàng chục chuyến xe tải lớn đá hộc lấp đầy hố tử thần sụt hôm 26.8. Nhưng chỉ được đến trưa, toàn bộ số đất đá mới trút xuống tiếp tục sụt. Ngay trước lúc đất đá mới đổ sụt xuống, chúng tôi nghe rõ tiếng nổ mìn từ công trường khai thác đá cách đây khoảng 300 m”, ông Dũng cho hay. Nhiều người dân khẳng định, từ hôm 23.8, mỗi khi mỏ đá nổ mìn, “hố tử thần” lại sụt xuống.
Sau những tiếng nổ mìn phá đá thì xuất hiện thêm nhiều vết nứt và nhiều hố tử thần nhỏ khác.
400 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm
Ông Vi Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Thanh Ba, cho biết biện pháp trước mắt chỉ là chở đất đá lấp đầy hố mỗi khi có sụt lún, chưa có phương án khắc phục hố tử thần triệt để. Theo lãnh đạo H.Thanh Ba, từ khi có hiện tượng sụt lún, đã rà soát triển khai di dân khỏi vùng nguy hiểm 2 đợt. Đợt 1 đã di dời xong 88 hộ. Đợt 2 đang di dời 31 hộ, nhưng mới chỉ một số đi. Do vướng mắc trong chuyện đền bù, hỗ trợ nên một số hộ trong vùng nguy hiểm chưa chịu dời đi.
Ông Hùng cho biết thêm, theo khảo sát của tỉnh Phú Thọ thì còn tới hơn 400 hộ dân đang nằm trong diện nguy hiểm, có thể bị sụt xuống lòng đất bất cứ lúc nào, cần di dời khẩn trương.
Sụt lún do yếu tố tự nhiên ?
Về nguyên nhân tạo ra hố tử thần, lãnh đạo H.Thanh Ba đưa ra văn bản của Bộ TN-MT từ ngày 14.12.2012 kết luận sụt lún do tai biến địa chất, yếu tố tự nhiên. Ông Hùng cũng khẳng định, hoạt động nổ mìn khai thác đá ở gần đó không liên quan đến hố tử thần.
PGS-TS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Địa chất, Trưởng bộ môn Địa chất thủy văn, Trường ĐH Mỏ-Địa chất Hà Nội, nhận định hố tử thần ở xã Ninh Dân tương đối lớn, diễn biến phức tạp. Với tốc độ “nuốt trôi” hàng chục xe tải đất đá đổ xuống trong thời gian không dài như vậy rất có thể liên quan đến hang hốc, hố sụt karst (đá vôi) hoặc dòng ngầm bên dưới. Thậm chí, các hang, hố sụt karst này còn có mối quan hệ lưu thông với nhau tạo thành dòng chảy ngầm lôi cuốn các vật liệu khi có những thay đổi áp lực dòng chảy hoặc những tác động từ bên ngoài tạo ra những khoảng rỗng trong lòng đất gây nên sụt lún. Còn về tiếng nổ trong lòng đất khi hố tử thần xuất hiện như người dân phản ánh, ông Lâm cho rằng không đáng ngại, đây chỉ là tiếng động phát ra trong quá trình đất đá sụt xuống, tạo thành hố lớn.
Ông Lâm cũng cho rằng, chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để khẳng định rằng, các hố tử thần ở Phú Thọ, Quảng Ninh hình thành do hoạt động kiến tạo của vỏ trái đất, vì nền địa chất tại những khu vực trên khá bình ổn. “Cũng cần phải xem xét thêm các yếu tố ngoại lực từ bên ngoài trên diện rộng, hoạt động khai khoáng (khai thác nước, đá, than…), vì những hoạt động này đều ảnh hưởng rất nhiều, tạo ra những thay đổi kết cấu lòng đất”, ông Lâm cho biết.
Hà An - Lê Quân
>> ‘Hố tử thần’ ở Phú Thọ: Hơn 400 hộ dân đang nằm trong diện nguy hiểm
>> Hố tử thần ở Phú Thọ
>> Hố tử thần' liên tiếp xuất hiện ở Phú Thọ
>> Nạn nhân bị 'hố tử thần nuốt chửng': Tôi như rơi xuống địa ngục !
Bình luận (0)