Cụ thể, ngày 21.9, TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên hủy quyết định truy thu thuế đối với ông Nguyễn Việt Cường tham gia trao đổi tiền điện tử Bitcoin. Từ giữa năm 2008 đến tháng 9.2013, ông Nguyễn Việt Cường đã tham gia trao đổi tiền ảo qua mạng internet. Công an tỉnh Bến Tre đã kết luận trường hợp kinh doanh của ông Cường không phải là hành vi phạm tội, nhưng đề nghị xử lý hành chính. Ngày 12.5.2016, Chi cục Thuế TP.Bến Tre đã ra Quyết định 714 buộc ông Cường nộp hơn 981 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) và hơn 1,6 tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Như vậy, tổng số thuế mà ông Cường phải nộp khoảng 2,6 tỉ đồng. Ông Cường khiếu nại hai lần đều bị bác đơn nên đã khởi kiện ra tòa. HĐXX nhận định hiện chưa có bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định tiền kỹ thuật số, tiền ảo là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng ở VN nên đã tuyên hủy quyết định truy thu thuế và các quyết định giải quyết khiếu nại liên quan của cơ quan thuế.
Hoạt động mua bán tiền ảo chưa có trong hệ thống ngành nghề kinh tế VN, tuy nhiên một chuyên gia thuế cho rằng đã kinh doanh và phát sinh thu nhập, thì công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước theo quy định của luật Thuế GTGT và luật Thuế TNCN. Bitcoin không do một ngân hàng nào phát hành nên không xem là đơn vị tiền tệ, nhưng Bitcoin lại được mua bán trong cộng đồng người sử dụng tiền ảo trên cơ sở quy đổi mua bằng tiền thật của mỗi quốc gia hoặc lấy USD làm tỷ giá quy đổi chéo. Như vậy, tiền ảo đã thỏa mãn là loại hàng hóa hay tài sản vô hình theo các quy định văn bản pháp luật hiện nay. Những người tham gia mua bán Bitcoin hay các loại tiền khác để sinh lời, điều đó cho thấy có phát sinh hoạt động kinh doanh nên phải chịu thuế GTGT và TNCN.
Theo ông Phạm Phú Quốc - Tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, Bitcoin đang tồn tại một cách hiển nhiên trong đời sống người dân. Chính vì vậy, cần có khung pháp lý để quản lý nó. Quản lý ở đây có nghĩa là bảo vệ người giao dịch, quyền kinh doanh, thương mại, đồng thời khi phát sinh rủi ro thì có sự phân xử, hay có quyền lợi thì phát sinh nghĩa vụ thuế. Chừng nào có internet thì lúc đó Bitcoin vẫn còn tồn tại và các giao dịch, thanh toán vẫn diễn ra. Một số nước châu Âu và Mỹ đã công nhận Bitcoin trong một số giao dịch hay xem nó là tài sản. VN hiện nay cũng đã quan tâm đến Bitcoin nhưng vẫn chưa có những quy định một cách cụ thể đến Bitcoin hay các loại tiền ảo khác dẫn đến việc lúng túng trong quản lý, xử lý.
Liên quan tính pháp lý của tiền ảo, trong đó có Bitcoin, mới đây Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử. Đề án nêu rõ báo cáo đánh giá thực trạng để sửa đổi khung pháp lý cần hoàn thành trước tháng 8.2018 và đến cuối năm 2018 phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Đồng thời, đến tháng 6.2019 cần xong hồ sơ đề nghị xây dựng khung pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo.
Mai Phương - Thanh Xuân
|
Bình luận (0)