TNO

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An

25/08/2014 00:00 GMT+7

(iHay) Cách trung tâm Sài Gòn khoảng 35km, làng tre Phú An là một nơi dã ngoại tránh nóng lý tưởng.

(iHay) Cách trung tâm Sài Gòn khoảng 35km về hướng bắc, những tán tre muôn hình muôn vẻ ở làng tre Phú An không chỉ là một nơi dã ngoại tránh nóng lý tưởng, mà còn cho bạn muôn vàn điều bất ngờ thú vị.

>> Ngắm ngôi nhà cổ nhất Sài Gòn trong diện mạo mới

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 1
Cổng vào làng tre Phú An

Làng tre Phú An thuộc xã Phú An, huyện Bến Cát (Bình Dương). Đây là khu bảo tàng và bảo tồn sinh thái tre đầu tiên của Việt Nam. Được triển khai xây dựng từ năm 2004, đến năm 2008, làng tre đã được đưa vào khai thác du lịch. 

Làng tre gồm khu vực trồng tre rộng 10ha; và một bảo tàng về tre, lưu giữ những mẫu tre để phục vụ nghiên cứu. Nơi đây quy tụ hơn 1.500 bụi tre, khoảng 130 giống tre với 300 loại mẫu tre khác nhau, trong đó có nhiều giống quý hiếm như tre vuông, mai ống, tre vàng sọc, luồng (Phú Thọ), mây Muồi Mai (Bắc Kạn), tre ngà (Thái Nguyên), tre mét, hóp lớn (Hà Tĩnh)...

Bước vào cổng làng tre, bạn như lạc vào một thế giới của tre, lặng bước trong tiếng vi vu rất khẽ khi những cơn gió đùa lay tán tre, tạo nên âm thanh như tiếng sáo mộc mạc của thiên nhiên.

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 2

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 3

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 4
Ở làng tre Phú An, nắng trở nên dịu nhẹ đến không ngờ, điểm xuyết chút ánh sáng tươi vui cho những con đường rợp tán tre

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 5

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 6
Những con đường, những khoảng đất dưới gốc tre được phủ đầy lá tre khô. Lá tre có rất nhiều chất dinh dưỡng, có thể thay thế phân bón cho tre. Có lẽ vậy mà nhà thơ Nguyễn Duy trong bài Tre Việt Nam đã viết: “Ở đâu tre cũng xanh tươi. Cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu

Dạo bước trong khuôn viên làng tre Phú An, bạn sẽ bất ngờ vì ở Việt Nam có nhiều loại tre và đặc điểm nhận dạng lại phong phú đến vậy. Có giống tre, lá nhỏ li ti mềm mại như lá liễu, không mọc thẳng đứng và nghiêng 45o đầy thơ mộng - đó là tre đuôi phượng Đắc Nông.

Có loại tre phủ quanh những thân cây thẳng đứng là một hàng rào những gai nhọn - đó là tre nước Bắc Kạn. Có những tán tre cong vòng đầy nghệ thuật, đứng cạnh nhau tạo thành những vòm xanh đan xen giữa thân tre và lá tre - đó là lồ ô Đắc Nông…

Dạo bước trên những con đường rợp bóng tre, chúng tôi không ngớt ồ lên kinh ngạc bởi sự đa dạng của loài cây vốn được xem là biểu tượng cho tính kiên cường của dân tộc.

  Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 7

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 8
Tre đuôi phượng Đắc Nông, với đặc điểm lá kim nhỏ, mềm, thân nhỏ và mọc nghiêng 45o

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 9
Lồ ô Đắc Nông cũng thân nhỏ nhưng mọc thành những vòm cong nghệ thuật


Tre nước Bắc Kạn đầy gai góc

Đến với làng tre Phú An, mặc định của tôi trước đây về tre hoàn toàn thay đổi. Tre không chỉ có “thân gầy guộc lá mong manh”, tre có những vẻ đẹp riêng, khác lạ và phong phú.

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 10
“Giá đỡ” cho những thân tre nhỏ nhưng mọc cao

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 11
Có loài tre, lá mỏng và mảnh như lá cỏ

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 12

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 13

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 14

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 15
Đi dạo dưới những tán tre, bạn nhớ để tâm đến dưới chân và ngang tầm mắt của mình để không vấp phải những búp măng mới nhú, những cành lá và cả gai nhọn “vô tư” vươn ra từ những tán tre

Làng tre Phú An quy tụ khoảng 90% các giống tre ở Việt Nam. Vì đặc điểm khí hậu vùng miền khác nhau, nên sẽ có một số loại tre không trồng được ở đây, do vậy, mẫu các loài tre này sẽ được làm khô vào lưu giữ tại khu bảo tàng để phục vụ nghiên cứu. Tuy là nơi nghiên cứu, nhưng khu vực này vẫn tạo cho mình một vẻ đẹp riêng và gắn liền với cây tre.

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 17

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 18
Một góc kiến trúc độc đáo trong bảo tàng tre Phú An

Chiều, khi hoàn toàn hài lòng với chuyến đi, chúng tôi chuẩn bị ra về thì gặp một bạn nữ sinh viên ngành Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, đang tỉ mỉ cất than tre vào bao, bên cạnh khu nghiên cứu tre của mình ngay cổng vào. Trò chuyện, chúng tôi có thêm rất nhiều kiến thức về tre và biết rằng ở phía cuối khu bảo tồn, hoa tre đang nở.

Hoa tre chỉ nở khi tre đã già. Thế nên, không quá lời khi nói hoa tre 50 - 60 năm mới nở một lần, đời người không dễ được chiêm ngưỡng lần hai. Chúng tôi vừa tò mò và háo hức quay ngược lại khu bảo tồn, dù trời bắt đầu chạng vạng, muỗi rất nhiều.

Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, tra Google để “nhận dạng” hoa tre, chúng tôi cũng đến đích. Dù hoa đã gần khô, không còn đài hoa biếc xanh pha quyện lẫn hồng tía, chúm chím hé mở những nhụy tía mong manh, nhưng với chúng tôi, như vậy đã là may mắn lắm rồi.

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 19
Hoa tre trong nắng cuối ngày

Luôn có bất ngờ dưới tán tre Phú An 20
Hoa tre lồ ô

Nguyên một ngày khám phá làng tre, chúng tôi chỉ bắt gặp một vài bạn trẻ đến tham quan, một nhóm hướng đạo sinh dạo chơi phía ngoài và đội nhiếp ảnh gồm một nghệ sĩ và hai người mẫu mặc áo dài - đến rồi ra vội và cô bạn sinh viên mới quen.

Nhưng với những gì hiện có, làng tre Phú An hoàn toàn có thể khiến một chuyến dã ngoại trong ngày trở nên thú vị với nhiều trải nghiệm mới mẻ. Hãy thử một lần đến làng tre Phú An nhé. Biết đâu, bạn được ngắm hoa tre vừa nở, hoặc khám phá một bất ngờ nào đó…

Phượt ký của Thanh Thủy

>> Bình Triệu, góc nhỏ hiền hòa giữa Sài Gòn ồn ã
>> Độc đáo quán cà phê 'Sài Gòn ve chai
>> Người dân Sài Gòn đổ xô đi xem vịt vàng khổng lồ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.