Từ VN muốn làm “bạn”, đến “đối tác tin cậy” của bạn bè quốc tế
Nói đến các nhà lãnh đạo, trước hết phải nói đến đường lối, chính sách. Công cuộc đổi mới được phát động năm 1986, nhưng tập trung vào đổi mới chính sách kinh tế trong nước là chính; còn về đối ngoại, Đại hội VI chưa đưa ra được chủ trương gì thật khác biệt. Đến thời Tổng bí thư Đỗ Mười, tức là sau Đại hội VII, hoạt động đối ngoại mới được triển khai một cách mạnh mẽ, đầy đủ.
Hội nghị T.Ư 3, khóa VII có thảo luận một chuyên đề về chính sách đối ngoại về chính trị và kinh tế, thể hiện tất cả nội hàm của chính sách đối ngoại mà chúng ta đang thực hiện. Đại hội VII đưa ra khẩu hiệu rất nổi tiếng là “VN muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì độc lập, hòa bình và phát triển”. Đến Đại hội VIII, cũng dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Đỗ Mười, chúng ta thêm 1 cụm từ “VN không những là bạn, mà còn là đối tác tin cậy” của bạn bè quốc tế. Chúng ta được thừa hưởng đường lối chính sách đối ngoại cơ bản từ thời đó. Thành ra, nói đến công lao của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đối với đất nước thì công đầu là đề ra được đường lối, chính sách đúng đắn.
Nhiều thông tin sai lệch về hội nghị Thành Đô
Về triển khai thực hiện đường lối, cũng dưới thời Tổng bí thư Đỗ Mười, chúng ta bình thường hóa quan hệ với các nước trong khu vực, cụ thể là các nước Đông Nam Á và Trung Quốc.
Với Trung Quốc, khi ông Đỗ Mười còn là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã cùng Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Cố vấn BCH T.Ư Phạm Văn Đồng có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở Thành Đô, bàn về việc bình thường hóa quan hệ.
Ở sự kiện này có rất nhiều thông tin nhiễu loạn. Chúng tôi là người trong cuộc, chúng tôi biết hoàn toàn không có những chuyện như người ta bịa đặt ra. Nội dung cốt yếu của Hội nghị Thành Đô có 2 việc: quan hệ xấu như thế, bây giờ bình thường hóa lại; và để bình thường hóa thì cần giải quyết tốt vấn đề Campuchia. Có vậy thôi. Nhưng để chính thức hóa quyết định đó, phải đến khi Tổng bí thư Đỗ Mười dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ, trong đó có Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sang thăm Trung Quốc năm 1991. Tôi có đi tiền trạm, rồi đi phục vụ đoàn đó.
Chuyến đó mở ra 3 chuyện quan trọng: bình thường hóa đầy đủ lại quan hệ giữa 2 nước, 2 đảng, trên những nguyên tắc chung của quốc tế; khôi phục lại quan hệ kinh tế, mở lại đường sắt, đường hàng không; và mở ra đàm phán về biên giới trên bộ, vịnh Bắc bộ và cả trên biển. Bình thường hóa quan hệ được với một nước láng giềng rất lớn, làm cho tình hình đất nước ổn định lại là một thành tựu cực kỳ quan trọng.
Những khúc mắc, trục trặc thì đương nhiên còn phải tiếp tục giải quyết, nhưng rõ ràng đó là một khâu đột phá; giúp biên giới, lãnh thổ của chúng ta được pháp lý hóa một cách căn cơ và mở ra những hợp tác rất lớn về kinh tế. Đó là việc mà Tổng bí thư Đỗ Mười trực tiếp đi làm. Đàm phán với các nước Đông Nam Á hay Mỹ thì “ra mặt tiền” là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, còn ở hậu trường là Tổng bí thư Đỗ Mười.
Ngoại lực là quan trọng, nội lực mới quyết định
Trong kinh tế, quan điểm của Tổng bí thư Đỗ Mười, mà bây giờ càng ngày tôi càng thấm thía, là phải dựa vào nội lực là chính. Thời bấy giờ, chúng ta rất bị hấp dẫn bởi các “con rồng, con hổ” châu Á, tức theo chiến lược hướng mạnh về xuất khẩu. Ông Đỗ Mười rất tán thành điều đó và đã chỉ đạo việc thông qua Nghị quyết Hội nghị T.Ư 3 khóa VII, nhưng luôn luôn nhấn mạnh: Ngoại lực là cực kỳ quan trọng, nhưng nội lực mới là quyết định.
Tôi nhớ có lần đi với Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Quốc Sam sang Nhật để vận động Nhật giúp xây dựng sân bay Nội Bài. Vận động cũng khó khăn, nhưng về cơ bản bạn cũng sẵn sàng xem xét việc đó. Tôi về báo cáo, ông bảo thế thì quý rồi, nhưng mà các cậu cái gì cũng nước ngoài, cái gì mình làm được thì cố mà làm đi chứ, không làm sao mà trưởng thành được. Cái nhà ga T1 ta tự lực xây chính là từ ý tưởng của ông.
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười không phải người được đào tạo một cách có hệ thống, nhưng là một người cực kỳ ham hiểu biết. Ông học bằng 2 đường: hỏi người khác, nghe người khác và cực kỳ chịu đọc. Khi học nước ngoài, ông cũng học phần “mềm” nhiều hơn phần “cứng”, không phải chỉ xin tiền, vay tiền. Đến đâu chăng nữa, như gặp nhà vua Thái Lan, Thủ tướng Nhật, Tổng thống Hàn Quốc... ông đều hỏi 2 chuyện thôi: Làm sao các ông lên nhanh thế? Khó khăn là gì?
Tóm lại, đây là một lãnh đạo, rất “con người”, cả với đồng bào, cả với cán bộ cấp dưới. Ông sống rất liêm khiết. Đúng là những học trò của Bác Hồ cũng có phong cách của Bác Hồ: ăn mộc mạc, mặc giản dị. Đối với tôi, đồng chí nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười là một nhà lãnh đạo có rất nhiều nét đáng quý, đáng học...
Vũ Khoan (nguyên Phó thủ tướng Chính phủ)
Bình luận (0)