Mới đây, một đoạn băng dài khoảng 40 giây được tung lên YouTube, cho thấy một người đang có hành động điên rồ: đi vài bước trên một dòng dung nham đang chảy ở đỉnh Etna thuộc Sicily (Ý). Một người khác chỉ đứng kế bên và nhìn. Khi người đi trên dung nham hoàn tất bước cuối cùng, người xem trợn tròn mắt khi thấy ngọn lửa nhỏ bốc lên từ đế giày anh ta. Nếu cảnh tượng trên khiến cộng đồng mạng xuýt xoa thán phục, thì các nhà khoa học lại đau đầu tìm cách giải thích cho hành động tưởng chừng như bất khả thi này. Cuối cùng, một nhà địa chất học đến từ Đại học Denis ở Ohio (Mỹ), ông Erik Klemetti, đã có câu trả lời.
|
Viết trên trang cá nhân ở địa chỉ Eruptions Blog, chuyên gia Klemetti chỉ ra rằng khi dung nham nóng đang sôi sùng sục chạm phải không khí lạnh, nó sẽ tạo thành một lớp vỏ đen có thể đứng lên được, nhưng trong thời gian rất ngắn. Và dù dung nham có vẻ như di chuyển như một dòng chảy, nó lại sệt hơn nước, có nghĩa là chịu được được một sức ép không quá lớn. Phân tích hành động của người bước đi trên dung nham, ông Klemetti cho rằng chân của người này ắt hẳn đã bị cháy sém do nhiệt độ kinh người tỏa ra từ dòng chảy. Chuyên gia này viết: “Khi nhìn vào đoạn băng, luồng chảy dung nham di chuyển khá chậm và có một lớp đen trên bề mặt. Điều này nghĩa là nó khá nguội… Lớp phủ hình thành nhanh chóng trên dòng chảy dung nham do có sự chênh lệch cao về nhiệt độ giữa dung nham (ở mức 1.000°C) và không khí (khoảng 25ºC), nên dung nham cứng lại thành một lớp vỏ giữa đàn hồi”.
Dựa trên nơi mà những người trong clip đang đứng, có vẻ như dòng chảy dung nham không quá lớn, vì người đứng kế chẳng mấy bận tâm khi chỉ ở cách đó chưa đến 1 m. “Bản thân dòng chảy được gói gọn bên trong một kênh hẹp, bao quanh là dung nham đã hóa cứng. Tôi đoán rằng dòng chảy nhỏ kia cách khá xa nguồn của nó”, chuyên gia Klemetti phân tích. Khi lớp vỏ đã hình thành trên bề mặt, nếu dung nham chảy chậm và người đi đủ nhanh, họ có thể giữ chân không bị lún xuống luồng dung nham lượn lờ bên dưới. Tuy nhiên, chuyên gia Mỹ cảnh báo nếu lớp vỏ không cân bằng hoặc mỏng hơn ở một vài chỗ, rủi ro bị nhúng chân vào dung nham là rất lớn.
Trước đó, Klametti giải thích chuyện té vào dung nham nóng sẽ khiến nước trong cơ thể bị sôi lên, biến thành hơi và kết quả là nạn nhân “bị nổ từ trong ra ngoài”. Khi nhận xét về kẻ “điên rồ” trong đoạn băng trên, ông Klametti cho hay rõ ràng đoạn video này đã được những người gọi là “các nghệ sĩ dung nham” thực hiện trong một số hoạt động gần đây ở đỉnh Etna. Các dòng chảy từ Etna có thể trườn xuống ở khoảng cách xa thành những kênh nhỏ, tạo thành những lớp vỏ dày có thể chịu đựng được sức nặng của một người, như họ đã chứng minh bằng hành động. Ông rút ra kết luận, những người muốn thử liều mình kiểu trên nên chọn đúng dòng chảy (chậm rãi, nhìn không quá nóng), bước thoăn thoắt và tất nhiên, phải cần đến yếu tố may mắn nữa.
Có vẻ như thú chơi… dại trên cũng cùng nguồn gốc với những trò thót tim như nhảy với dây cột vào chân từ tòa nhà cao ngất. Chuyện lướt trên núi lửa có thể nhận được nhiều cái vỗ tay, nhưng giới chuyên gia cảnh báo không nên đùa với các dòng chảy dung nham, dù chúng được liệt vào dạng có nguy cơ rủi ro thấp nhất nếu so với một núi lửa đang phun.
Dung nham là gì ? Dung nham được dùng để mô tả phần đá nóng chảy được tống ra khỏi núi lửa trong đợt phun trào. Đá sẽ hóa cứng và nguội lại sau đó. Trong giai đoạn khai sinh ban đầu, dung nham ở dạng chất lỏng, với nhiệt độ dao động từ 700 đến 1.200°C. Nó có độ sệt lớn gấp 100.000 lần nước. |
Hạo Nhiên
>> Núi lửa Tungurahua phun dung nham
>> Núi lửa Merapi phun dung nham
>> Chile, Argentina dời dân vì núi lửa
>> Núi lửa phun trào ở Philippines, 4 người chết
>> Hình dạng thực sự của siêu núi lửa Yellowstone
Bình luận (0)