Lưu luyến phà Thủ Thiêm

22/09/2011 17:20 GMT+7

(TNO) 36 năm làm nghề lái phà đưa đón khách qua sông, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hùng (53 tuổi) thấy rõ sự thay đổi, phát triển của bến phà Thủ Thiêm qua từng năm tháng.

 Xem video clip

Gắn bó

Thật lạ! Chỉ cách nhau một khúc sông Bạch Đằng, đối lập với những khách sạn, trung tâm thương mai cao to tráng lệ của Quận 1, TP Hồ Chí Minh, là “vùng bưng” Thủ Thiêm (Q.2) mọc đầy cây dừa nước, cỏ dại và đủ loại thành phần dân tứ xứ.

Đến tháng 12 năm nay, thời điểm bến phà Thủ Thiêm dự kiến đóng cửa, chấm dứt vai trò lịch sử, thợ máy Trần Quang Đăng (55 tuổi) đã có thâm niên 36 năm tuổi nghề.

Theo trí nhớ của thợ máy Đăng, ông vào làm Xí nghiệp phà Thủ Thiêm sau giải phóng (1975), năm ông vừa tròn 20 tuổi. Hồi ấy, rất ít người qua lại vùng Thủ Thiêm, nơi tập trung của những tay anh chị, gái mại dâm và dân “nhảy tàu”.

Thời ấy, khúc sông Bạch Đằng chỉ lác đác một vài bến đò, hoang sơ đầy dấu ấn của vùng đất dữ. Phà hoạt động không tấp nập như bây giờ và khách cũng rất thưa thớt.


Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hùng và thợ máy Trần Quang Đăng, hai "lão làng" có thâm niên 36 năm tại Xí nghiệp phà Thủ Thiêm - Ảnh: Trần Duy

Từ khoảng năm 1975 đến 1985, Xí nghiệp phà Thủ Thiêm chỉ có hai phà nhỏ, loại một chân vịt 20 tấn do hãng tàu Caric (Pháp) đóng từ năm 1965; hoạt động “chập chờn” và thường xuyên chết máy giữa dòng. Việc thay thế phụ tùng do hỏng hóc, cung cấp nhiêu liệu cho phà chạy cũng rất nhiêu khê.

Thế rồi, từ năm 1985 trở đi, “vùng bưng” Thủ Thiêm bắt đầu trỗi dậy. Kéo theo đó, lượng khách qua lại sông đông dần lên.

Hai chiếc phà loại nhỏ không đáp ứng được nhu cầu khách do thường xuyên hỏng hóc đành phải “nhường chỗ” cho hàng chục con đò nhỏ chòng chành do dân “vùng bưng” lập ra “vô tư” cắt ngang tàu lớn để đưa khách qua sông.

Những vụ tai nạn đường thủy cũng vì thế mà tăng lên đến nỗi Công an TP.HCM đề nghị dẹp bỏ những con đò ngang đưa đón khách sang sông.

Từ đó, bến phà Thủ Thiêm bước vào giai đoạn “ăn nên làm ra” nên lãnh đạo xí nghiệp phà làm thủ tục xin đơn vị chủ quản là Công ty Quản lý công trình cầu phà TP.HCM (nay là Công ty TNHH một thành viên công trình cầu phà), Sở Giao thông công chánh (nay là Sở GTVT) đầu tư thêm 4 phà loại 60 tấn mang tên Thủ Thiêm A, Thủ Thiêm B, Thủ Thiêm C, Thủ Thiêm D.

 


Thuyền trưởng Hùng đang lái phà Thủ Thiêm A đưa khách qua sông. Đến cuối năm 2011, ông sẽ không lái những chiếc phà tương tự tại bến phà Thủ Thiêm - Ảnh: Trần Duy


 


Sẽ không còn những hình ảnh khách qua phà Thủ Thiêm - Ảnh: Trần Duy


Lưu luyến

Bây giờ thợ máy Đăng, thuyền trưởng Hùng, những “lão làng” trong nghề sắp phải “chia tay” bến phà Thủ Thiêm, nơi đã in sâu những kỷ niệm vui buồn trong đời họ.

Thợ máy Đăng thấy “nao nao trong lòng” vì bến phà gắn liền với ông từ thời trai trẻ đến giờ sắp phải đóng cửa. Thuyền trưởng Hùng cũng thấy buồn. Nhưng họ có cái nhìn thâm thúy hơn: “Đóng cửa bến phà Thủ Thiêm chứng tỏ những cây cầu bắc ngang sông Sài Gòn, hầm dìm đang phát huy tác dụng. Thành phố đang đi lên, đời sống của người dân vùng bưng Thủ Thiêm cũng đã khá lên rất nhiều so với trước đây. Đó là quy luật của cuộc sống”.

Những người “ở dưới nước” như ông Đăng, ông Hùng có chung nguyện vọng: Mong UBND TP.HCM cho phép đầu tư bến thủy nội địa, đầu mối phục vụ phát triển du lịch đường thủy tại thành phố bởi họ vẫn còn lưu luyến một bến phà.

“Dù chỉ còn một khách, phà Thủ Thiêm vẫn hoạt động”

Trao đổi với PV Thanh Niên Online, ông Nguyễn Công Dân, Phó giám đốc Xí nghiệp phà Cát Lái - Thủ Thiêm (trực thuộc Công ty TNHH một thành viên công trình, phà TP.HCM) cho biết, Xí nghiệp phà Thủ Thiêm hiện có 44 cán bộ, công nhân viên. Theo phương án mà xí nghiệp đề xuất với cơ quan cấp trên, những thợ máy, thuyền trưởng có tay nghề sẽ được chuyển về làm việc tại bến phà Cát Lái.

Số công nhân còn lại, xí nghiệp đề xuất bố trí cho họ được làm việc ở bộ phận thu phí ở hầm dìm Thủ Thiêm khi công trình này đi vào hoạt động vào cuối năm nay.

Ông Dân cho biết thêm, ngoài phương án đề xuất bố trí công việc sắp tới cho cán bộ, công nhân viên hiện đang làm việc tại Xí nghiệp phà Thủ Thiêm như trên, Công ty TNHH một thành viên công trình, cầu phà TP.HCM cũng đã có đề xuất Sở GTVT, UBND TP.HCM lập bến thủy nội địa bên bờ Q.1 phục vụ cho chiến lược du lịch đường thủy của thành phố. Nếu phương án này được chấp thuận, cán bộ, nhân viên, phương tiện phà của Xí nghiệp phà Thủ Thiêm sẽ được tận dụng hiệu quả.

Về hiệu quả hoạt động của bến phà Thủ Thiêm, theo ông Dân, từ cuối năm 2009 đến nay, lượng khách trước đây từ 30.000 - 40.000 ngày/ngày giảm xuống còn 5.000- 6.000 lượt khách/ngày. Mỗi tháng, xí nghiệp phải bù lỗ 200 triệu – 300 triệu đồng.

Ông Dân khẳng định, từ đây đến thời điểm phải đóng cửa, dẫu chỉ còn một hành khách, phà Thủ Thiêm cũng vẫn hoạt động.

 

Trần Duy

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.