Th.S-BS Hồng Quý Quân, Phó trưởng khoa Phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết bệnh nhi ở Nghệ An được bố mẹ đưa đến bệnh viện vì sưng đau vùng bẹn 2 ngày (từ lúc mới sinh ở bệnh viện tỉnh, trẻ đã được các bác sĩ chẩn đoán có bệnh ẩn tinh hoàn).
Khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện bìu phải của trẻ không có tinh hoàn, khối phía trên bẹn sưng, nóng, đỏ, ấn vào rất đau. Bệnh nhi được làm siêu âm doppler thì không thấy tín hiệu mạch của tinh hoàn bên phải, được chuyển mổ cấp cứu với chẩn đoán xoắn tinh hoàn. Khi phẫu thuật, tinh hoàn phải đã bị hoại tử tím đen do xoắn 2 vòng quanh thừng tinh, buộc phải cắt tinh hoàn phải.
BS Quân thông tin, với các bệnh nhân ẩn tinh hoàn thì nguy cơ bị xoắn tinh hoàn sẽ cao hơn do tinh hoàn nằm cao ở trên bẹn, không được cố định vào bìu. Khoảng 20% các trường hợp tinh hoàn ẩn có thể bị xoắn.
“Với các bệnh nhân bị ẩn tinh hoàn, cần phải đi khám ngay khi đột ngột sưng đau bẹn bìu để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thời gian vàng để cứu tinh hoàn bị xoắn là trước 6 tiếng kể từ khi bị xoắn”, BS Quân lưu ý.
Theo BS Quân, trẻ có bệnh ẩn tinh hoàn chẩn đoán từ sớm nên được tư vấn cách theo dõi nguy cơ xoắn và điều trị đầy đủ. Nếu đột ngột sưng đau bẹn bìu, nên đi khám ngay để loại trừ xoắn tinh hoàn. Bệnh nhân nên được mổ sớm để hạ và cố định tinh hoàn vào bìu. Tuổi phẫu thuật khuyến cáo bắt đầu từ 9 tháng tuổi.
Bình luận (0)