Lý do vì sao ly cà phê này lại “đắt xắt ra miếng” đến thế khi hoàn toàn không bởi phong cách phục vụ hay không gian thượng lưu?
Giá cao là hoàn toàn bởi chất lượng của hạt cà phê. Đó là cà phê mang tên Geisha của trang trại cà phê quy mô nhỏ Hacienda La Esmeralda thuộc vùng miền núi phía tây Panama. Không phải dễ dàng để sở hữu loại cà phê này. Vào cuối tháng 7 vừa rồi, một lô cà phê 100 pound này được đặt lại tên là Esmeralda Geisha 601 sau khi phiên đấu giá kết thúc, nâng mức giá lên tới 601 USD/pound (1 pound tương đương 0,453 kg). Người giành chiến thắng tại phiên đấu giá kéo dài 5 tiếng đồng hồ này là doanh nhân Hồng Kông Jason Kew (Công ty Kew Specialty Coffee).
Esmeralda Geisha 601 sẽ ra mắt người hâm mộ vào tháng 11 này. Và điểm đến gần nhất VN chính là Singapore, tại 2 cửa hàng duy nhất của chuỗi cà phê The Coffee Academics ở Scotts Square và Raffles City. Chỉ có 80 ly kích thước cỡ 1 ly espresso, single shot, từ ngày 6.11 và dự báo chỉ vài ngày là hết sạch dù 1 ly có giá bán là... 85 đô la Singapore. Singapore là nơi đầu tiên ở Đông Nam Á người mê cà phê được thưởng thức loại cà phê đến từ đất nước Trung Mỹ này trước khi nó “bay” đến Hồng Kông. Theo The Coffee Academics, ly cà phê đắt nhất thế giới ở thời điểm này được đánh giá 94,1 điểm trên thang điểm 100 về chất lượng.
|
Trong khi đó, phải đến ngày 18.11, người Mỹ mới được nếm Esmeralda Geisha 601 vốn chỉ có ở quán cà phê Klatch Coffeeở Southern California. Ông chủ của Klatch Coffee vốn là một kỹ sư hóa học phải “vất vả” lắm mới “giành” được 11 pound cà phê tại buổi đấu giá đó. Mike Perry cho biết hẳn có nhiều người nghi ngờ về mức giá 55 USD/ly (chứa khoảng 15 gr cà phê) mà Perry đưa ra. “Việc thu hoạch một mùa cà phê cũng đầy tinh tế như thu hoạch nho để làm rượu vang. Chất lượng hạt cà phê mỗi năm mỗi khác và năm nay là một năm tuyệt vời”, Perry cho biết. “Ngay khoảnh khắc tôi thử loại cà phê này, tôi biết rằng đó là thứ mà tôi muốn chia sẻ với những người mê cà phê. Đó là sự bùng nổ của những mùi vị. Bạn cảm nhận được nào là dâu tây, việt quất, mâm xôi, quả đào... Bạn sẽ không tin rằng đó chỉ là cà phê mà nghĩ rằng có vẻ như bị pha với thứ gì đó, nhưng không, hoàn toàn là cà phê... thuần túy”.
Ông gọi sự tích tụ những mùi vị đó là “quá trình tổng hợp tự nhiên”. Ở trang trại Hacienda La Esmeralda, người ta phơi những quả cà phê chín đỏ có kích cỡ như trái cherry dưới ánh nắng mặt trời trên nền xi măng trong 8 ngày rồi mới tách lấy hạt để mùi vị đủ thời gian “tích tụ” hết vào trong hạt.
|
Hạt cà phê là vậy nhưng chắc gì đã cho ra một ly cà phê ngon tê người. Sở dĩ Klatch Coffee tự tin đưa ra mức giá 55 USD/ly là bởi ông chủ Mike Perry biết đánh giá đúng sự góp tay của khoa học trong việc làm nên một ly cà phê được xem là đắt nhất thế giới. Những người kỹ tính trong chuyện pha chế hẳn cũng phải ngả mũ chào trước chuyện cân đong đo đếm để đảm bảo đúng tỷ lệ cà phê và nước sôi cũng như cách chế nước sôi lần lượt 3... hiệp và dùng đồng hồ bấm giờ để canh khoảng nghỉ giữa hiệp cho chính xác. Một sự kết hợp hoàn hảo giữa một tâm hồn cà phê và một kỹ sư kỹ tính!
|
|
Klatch Coffee không chỉ bán ngay tại cửa hàng ở Rancho Cucamonga cách trung tâm Los Angeles chừng 64 km mà còn dành cơ hội cho những người mê cà phê ở xa với một “điều kiện”: “làm ơn giúp tôi”, theo nguyên văn cách nói của Perry, là dùng cối xay cà phê thay vì máy xay cà phê bằng lưỡi dao để cho ra bột cà phê mịn và đều và làm theo hướng dẫn pha chế cụ thể của Perry một cách cẩn thận. Chỉ bấy nhiêu thôi là đủ bởi theo lời ông Perry, “cà phê Geisha không hề đắng chút nào, chẳng cần thêm đường hay kem”. Để có được ly cà phê thượng hạng như thế thì đúng là nghề chơi cũng lắm công phu.
Bình luận (0)