Thông tin trên được ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho biết sáng nay 26.9, bên lề hội nghị hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới 26.9.
Theo ông Tú, thống kê mới nhất cho thấy, trong năm 2021, mức sinh chung trên cả nước đã tăng cao hơn mức sinh thay thế, là mức sinh mà Việt Nam đã duy trì trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, “mức sinh cũng đã tăng tại các địa phương, các vùng có mức sinh giảm trong các năm gần đây, đó là: TP.HCM, Đông Nam bộ và cả Tây Nam bộ. Các tỉnh Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước; Tây Nam bộ là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”, ông Doãn Tú cho biết.
“Vượt mức sinh thay thế trong giai đoạn này, theo đánh giá của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, người làm công tác quản lý, thì đó là dấu hiệu vui, chứ không đáng buồn. Mức sinh này tăng chung trên cả nước và đặc biệt là có tăng lên tại các địa phương có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế”, ông Tú đánh giá.
Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chia sẻ: “Có nhiều lý do mức sinh được đẩy lên, nhưng có một nguyên nhân thấy được khá rõ, đó là thời gian chúng ta thực hiện giãn cách do dịch Covid-19, mọi người được gần nhau hơn, các cặp vợ chồng gần nhau hơn và có điều kiện tăng thêm mức sinh”.
Trước đó, theo thống kê của Tổng điều tra dân số và nhà ở T.Ư năm 2019, vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp, dưới 1,63 con/phụ nữ, thấp hơn so mức sinh thay thế (2 - 2,1 con/phụ nữ). Riêng một số tỉnh, thành phố cũng đang trong tình trạng mức sinh rất thấp như: TP.HCM (1,39 con/phụ nữ), Đồng Tháp (1,34 con/phụ nữ), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,37 con/phụ nữ), Hậu Giang (1,53 con/phụ nữ)...
Liên tục các năm trước, từ 2006, tính chung trên cả nước, Việt Nam đã duy trì tổng mức sinh thay thế (2 - 2,1 con/phụ nữ).
Bình luận (0)