Chuyện phim xoay quanh những thăng trầm của gánh hát hư cấu Viễn Phương, nơi từng thành viên đều có những trăn trở, hoài bão riêng. Cảnh Thanh (Bạch Công Khanh) mang mộng kép chánh, nhưng vì rụt rè mà mãi đóng vai quân lính không thoại. Anh thầm thương cô đào chính Kiều Trúc Linh (Trúc Mây), từ nhỏ đã luôn ở bên cạnh để động viên cô vượt qua nỗi đau mất mẹ.
Kép chánh Vũ Lâm (Cao Minh Đạt) dành trọn tình yêu cho cô đào chánh Thanh Kim Yến (Lê Phương). Tuy nhiên, để kiếm tài trợ cho đoàn, anh phải thường xuyên chiều lòng bà chủ tiệm vàng nổi tiếng (NSND Hồng Vân). Thầy đờn Cảnh Sơn (nghệ sĩ Chí Tâm) thì luôn ngóng trông tìm lại gia đình thất lạc, còn ông bầu (NSƯT Hữu Châu) chật vật lèo lái gánh hát Viễn Phương qua nhiều biến cố.
Nghệ thuật là “nghề” hay “nghiệp”?
Khán giả có niềm đam mê với ca cổ dễ cảm nhận được tâm huyết, tinh thần hết lòng tri ân cải lương của nhà làm phim 54 tuổi. Anh không tập trung nhiều vào các vở diễn, mà hướng máy quay về phía những người nghệ sĩ khi họ bước vào hậu đài, ra khỏi ánh đèn sân khấu. Hoàng Tuấn Cường khắc họa một nhóm cải lương chật vật tìm chỗ đứng giữa thời cuộc xoay vần, vừa có tiền diễn đêm đó, thì đêm hôm sau đã gặp cảnh đòi nợ, tai ương.
Phân cảnh ông bầu ngồi uống trà, nói chuyện với thầy đờn Cảnh Sơn phần nào khắc họa chủ đề chính mà đạo diễn Hoàng Tuấn Cường muốn truyền tải. Qua lời thoại, hai nhân vật gọi cải lương, hay nghệ thuật biểu diễn nói chung là “nghiệp”; vì “nghề” muốn đổi lúc nào cũng được, còn “nghiệp” thì đi theo người nghệ sĩ cả đời.
Đây cũng là quan điểm được NSƯT Hữu Châu nhiều lần chia sẻ qua các buổi phỏng vấn. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cải lương, NSƯT Hữu Châu chứng kiến không ít thăng trầm của bộ môn nghệ thuật này. Việc lựa chọn NSƯT Hữu Châu vào vai ông bầu vì thế cũng là một quyết định sáng suốt, khi ông khắc họa được nỗi trăn trở, từng niềm vui, nỗi buồn đối với nghiệp cải lương thực sự trọn vẹn.
Trên phim, nhóm diễn viên của gánh Viễn Phương có người cố bám trụ thì phải rời xa nghiệp diễn vì biến cố, có người chán cảnh cơm áo gạo tiền, muốn dứt ra mà không được. Tèo (Tuấn Dũng) muốn làm kép chính, nhưng ngoại hình chỉ hợp đóng kép hề, Kim Yến lỡ thời, tiếp tục làm đào chính thì quá tuổi, còn đóng đào già thì “chưa tới”.
Từ thứ chính như NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ Chí Tâm, NSƯT Lê Thiện... cho đến khách mời như NSƯT Kim Tử Long, Hồng Loan (con gái cố nghệ sĩ Vũ Linh)... đều có gốc từ bộ môn cải lương. Trong khi đó, tuyến chính gồm Bạch Công Khanh, Trúc Mây, Lê Phương,... đều xuất thân kịch nói.
Vậy nên ở khâu diễn xuất, các diễn viên không gặp nhiều khó khăn, bởi tính cách nhân vật cũng tương đối giống họ ngoài đời. Trong đó, nghệ sĩ Hữu Châu và Chí Tâm nổi bật hơn cả do có nhiều câu thoại triết lý, cũng như tình huống cần thể hiện cảm xúc mạnh.
Không những thế, biên kịch của phim là soạn giả cải lương Tô Thiên Kiều - từng thực hiện các vở Niềm thương nỗi nhớ, Ngỡ ngàng, Sầu mộng. Không ngoa khi nói rằng đạo diễn Hoàng Tuấn Cường được “hậu thuẫn” mạnh trong quá trình làm Sáng đèn, khi mỗi tên tuổi tham gia đều có thể đóng vai trò cố vấn kịch bản cho anh.
Hạn chế trong cách kể chuyện
Những năm gần đây, cải lương dần được giới trẻ đón nhận khi lồng ghép trong các sản phẩm quảng cáo, MV. Tuy nhiên khi tách riêng, bộ môn nghệ thuật truyền thống này hãy còn xa lạ với thế hệ gen Z. Bằng chứng là những cuộc thi như Chuông vàng vọng cổ, Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc... cũng chỉ nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ giới mộ điệu.
Thay vì khắc họa câu chuyện của phim với chương, hồi rõ ràng, thì biên kịch Tô Thiên Kiều sắp xếp nhiều tình huống liên tục xuất hiện, nhóm Viễn Phương vượt qua trở ngại này thì trở ngại khác lại xuất hiện. Điều này khiến mỗi khung hình của Sáng đèn trở nên rời rạc, giống một vở diễn sân khấu gồm nhiều phần hơn. Lối thoại, cử chỉ, tình huống trong phim chỉ mang tính đại khái, mâu thuẫn được giải quyết một cách dễ dãi, khiến nội dung phim mất đi tính nghiêm trọng cần thiết.
Càng xem, khán giả càng thấy Sáng đèn giống với một vở cải lương xã hội được chiếu màn ảnh rộng hơn là phim điện ảnh. Các mâu thuẫn trong phim đều mang tính đại khái, biên kịch tạo ra trắc trở cho nhân vật, rồi tự giải quyết trắc trở đó thông qua thoại, gây khó hiểu cho người xem.
Còn nếu xét là một phim tôn vinh hậu đài ngành cải lương, thì phim cũng làm chưa tới. Các câu chuyện sau cánh gà chỉ được thể hiện qua những cảnh hài, hoặc những cảnh ít kịch tính. Về tính trực quan, Sáng đèn không kể được sự khắc nghiệt, cũng không khắc họa được những khoảnh khắc đáng giá của nghề diễn.
Trong khi trước đó, phim tài liệu về gánh hát cải lương Đoạn trường vinh hoa lại mang tính tri ân người nghệ sĩ nhiều hơn. Nhân vật chính còn phải lén đưa đầu về phía cánh gà hớp vội ly nước rồi diễn tiếp, hay chống chọi với cơn sốt gây đau đớn tột cùng. Hay như Song Lang của đạo diễn Việt kiều Leon Quang Lê, có sự chăm chút trong khâu thiết kế đại cảnh sân khấu và phục trang, mang đến sức sống và độ tin cậy cho yếu tố cải lương trong phim.
Đặc biệt là xem xong Sáng đèn, khán giả trẻ cũng khó có cái nhìn tích cực hơn với bộ môn cải lương. Những thuật ngữ, lối hát trong phim không có sự giải thích, không có điểm nhấn. Kể cả các nốt “vỡ lòng” hò - xự - xang - xê - cống - liu, hay tên các vở cải lương xuất hiện trong phim, hát theo điệu gì, hát ra làm sao... cũng không được đề cập. Điều này khiến tác phẩm rơi vào thế không phù hợp với “người ngoại đạo”, còn dân mê cải lương thì chỉ được xem những điều cơ bản mà họ đã biết từ lâu rồi.
Thông báo dời ngày chiếu né đường đua phim tết cùng Mai của Trấn Thành, Gặp lại chị bầu của Nhất Trung, ê-kíp bày tỏ nguyện vọng mong muốn bộ phim Sáng đèn sẽ có cơ hội đến được với đông đảo khán giả vào một thời điểm phát hành thích hợp hơn. Về bản chất, đây là bộ phim có kịch bản “sạch”, đồng thời dễ tạo hiệu ứng tốt từ người hâm mộ bộ môn cải lương. Tuy nhiên, xét về tính giải trí hay khai phóng, phim của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường chưa thực sự nổi bật.
Bình luận (0)