Lý giải chuyện người ăn thịt người

20/04/2012 03:26 GMT+7

Việc bắt giữ 3 nghi can trong vụ bánh nhân thịt người mới đây ở Brazil cho thấy tục lệ dã man này vẫn tồn tại trong thế giới hiện đại.

Việc bắt giữ 3 nghi can trong vụ bánh nhân thịt người mới đây ở Brazil cho thấy tục lệ dã man này vẫn tồn tại trong thế giới hiện đại.  

Chuyên san y khoa Lancet hồi năm 1994 đưa tin việc ăn thi thể người chết vẫn phổ biến ở những người sống trong một khu ổ chuột tại thành phố Olinda, thuộc bang Purnambuco (Brazil). Sự nghèo khổ và việc thiếu tuân thủ luật pháp được cho là những lý do dẫn đến hành vi trên, khi những người thiếu đói ăn các phần thi thể mà họ kiếm được tại một bãi rác ở thành phố này. Bà Isabel Cáceres, chuyên gia cổ sinh thái học thuộc Đại học Rovira i Virgili (Tây Ban Nha), nói với trang tin Discovery: “Ăn thịt đồng loại là một hành vi mang tính phong tục phổ biến ở động vật linh trưởng giống người”. Bà Cáceres đã nghiên cứu hiện tượng này từ thời điểm cách đây 780.000 năm. Theo bà, có thể tục ăn thịt đồng loại trong loài Homo là do thiếu nguồn dự trữ và sự tranh giành lãnh thổ trong những thời điểm nguy cấp.

Thế nhưng vụ việc tại Brazil gần đây rõ ràng là một “bước ngoặt tàn bạo”. Các nghi can thú nhận đã giết ít nhất 2 người, ăn một phần thi thể của họ và dùng phần còn lại làm bánh empanada bán cho cư dân thị trấn Garanhuns, gần thành phố Sao Paulo. Lời kể của nghi can Jorge Beltrao Negroponte (51 tuổi) với Đài truyền hình SBT đề cập đến những tác nhân khác: “Tôi làm như thế để thanh lọc tâm hồn, để bảo vệ người dân và đưa họ đến với thượng đế”.

Ông Richard Sugg, thành viên Trung tâm nghiên cứu thế kỷ 17 thuộc Đại học Durham (Anh), cho biết: “Cho đến cuối thế kỷ 18, thi thể con người vẫn được chấp nhận như một tác nhân chữa bệnh. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm thịt, xương hoặc máu, cùng với một loại rêu đôi khi được tìm thấy trên các sọ người”. Trong bài viết cho Lancet, Sugg kể chuyện một thầy tu dòng thánh Francis hồi thế kỷ 17 làm mứt cam từ máu người, thậm chí viết cả công thức làm món này. Con người trong giai đoạn tiền cận đại còn dùng thịt lấy từ xác ướp làm thuốc đắp trị vết thâm tím. Vua Pháp Francis (1494-1547) thậm chí mang thịt xác ướp trong hầu bao như một loại bùa may mắn.

Những người chống lại cái gọi là “y khoa xác chết” này bắt đầu nổi lên vào thế kỷ 16. Đến cuối thế kỷ 18, sự chống đối tục lệ này lan rộng và phát huy tác dụng. Tuy vậy, phong tục này vẫn tồn tại ở một số nền văn hóa, và không phải chỉ vì những lý do y tế.

Tuy nhiên, khoa học hiện đại cho thấy con người không phải là “món ngon” cho đồng loại. Bệnh tật có thể lây lan dễ dàng hơn và có một số bệnh đặc biệt nguy hiểm. Chẳng hạn, bệnh xốp não được cho là đã tác động những cá nhân ăn thịt người thời tiền sử.

Khang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.