Lý Hoàng Nam dồn sức bảo vệ HCV SEA Games 32

Hoàng Quỳnh
Hoàng Quỳnh
08/04/2023 09:34 GMT+7

Tạm gác mục tiêu tìm suất tham dự Grand Slam, tay vợt số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam tập trung bảo vệ tấm HCV nội dung đơn nam quần vợt SEA Games 32 mà anh đoạt được ở 2 kỳ liên tiếp trước đó.


Khó cản Lý Hoàng Nam

Sau chuỗi giải đấu nhà nghề không thành công tại Ấn Độ, Lý Hoàng Nam hiện tụt xuống hạng 260 trên bảng xếp hạng của Hiệp hội Quần vợt chuyên nghiệp nam quốc tế (ATP). Với thứ hạng này, anh khó lấy suất tham dự vòng loại giải Pháp mở rộng (1 trong 4 Grand Slam danh giá của làng quần vợt thế giới diễn ra vào tháng 6 tới).

Lý Hoàng Nam dồn sức bảo vệ HCV SEA Games 32 - Ảnh 1.

Lý Hoàng Nam vẫn là ứng viên số 1 nội dung đơn nam tại SEA Games 32

ĐỘC LẬP

Tạm gác giấc mơ Grand Slam, tay vợt số 1 Việt Nam trở về nước tập luyện cho mục tiêu trước mắt là bảo vệ tấm HCV nội dung đơn nam ở SEA Games 32 diễn ra vào tháng 5 tới ở Campuchia. Theo kế hoạch từ nay đến SEA Games 32, anh không thi đấu mà tập trung luyện tập cùng chuyên gia Ivan Miranda và HLV Trần Quốc Phong nhằm cải thiện chuyên môn cũng như nâng cao thể lực. Sau SEA Games 32, Hoàng Nam mới tiếp tục thi đấu các giải nhà nghề nhằm tích lũy điểm, cải thiện thứ hạng.

Ở SEA Gams 31 trên sân nhà, Lý Hoàng Nam cùng Trịnh Linh Giang thi đấu ấn tượng, tạo nên trận chung kết nội bộ nội dung đơn nam giữa hai tay vợt Việt Nam. Ở SEA Games 32 sắp tới, Hoàng Nam vẫn là ứng viên số 1 nội dung này bởi trong khu vực Đông Nam Á chưa xuất hiện tay vợt nào nổi bật hơn. Cạnh tranh với tay vợt 25 tuổi quê Tây Ninh là các đối thủ đến từ Thái Lan như Kasidit Samrej (hạng 622 ATP), Palapphoom Kovapitukted (hạng 735 ATP) hay Rifki Fitriadi (Indonesia, hạng 1.080 ATP) và Kenny Bun (Campuchia, hạng 1.021 ATP)…

Khó cạnh tranh các nội dung còn lại

Sáng giá ở nội dung đơn nam nhờ sở hữu Lý Hoàng Nam nhưng quần vợt Việt Nam dự báo tiếp tục gặp khó khăn ở nội dung đôi nam và đồng đội nam. Ở nội dung đôi nam, đội tuyển nam quần vợt Việt Nam gặp tổn thất khi "vua lưới" Lê Quốc Khánh chủ động rút lui ở tuổi 41. Những gương mặt thay thế như Nguyễn Văn Phương, Trịnh Linh Giang, Phạm Minh Tuấn đều chưa thật sự nổi bật. Cũng cần thấy khu vực Đông Nam Á đang sở hữu nhiều tay vợt đánh đôi đẳng cấp thế giới như Ruben Gonzales (Philippines, hạng 119 ATP), Treat Huey (Philippines, hạng 148 ATP), Rungkat (Indonesia, hạng 230 ATP)… nên rất khó cho các tay vợt Việt Nam.

Dời ngày cưới để dự SEA Games

Tay vợt số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam đã lên kế hoạch tổ chức đám cưới vào ngày 6.5, tuy nhiên do trùng với thời điểm thi đấu ở SEA Games 32 nên anh cùng bạn gái Nguyễn Huỳnh Phương Trinh quyết định dời tiệc cưới lên sớm hơn để kịp sát cánh cùng đội tuyển quần vợt Việt Nam. Trước đó Lý Hoàng Nam tuyên bố rút lui không dự SEA Games 32 nhưng sau đó thay đổi quyết định.

Ở nội dung đồng đội nam, nếu Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang giải quyết tốt các trận đấu đơn, cơ hội cạnh tranh HCV cũng mở ra. Tuy nhiên, việc phải phân phối sức cho các trận đơn và cả đôi nam khiến các tay vợt Việt Nam không dám mạo hiểm.

Ở các nội dung của nữ, quần vợt Việt Nam năm nay thiếu vắng tay vợt Việt kiều Mỹ Chanelle Vân Nguyễn nên mọi hy vọng tập trung vào Savanna Lý Nguyễn. Dẫu vậy Savanna Lý Nguyễn vẫn khó cạnh tranh với nhiều tay vợt rất mạnh của Thái Lan, Indonesia vì thua kém thể hình lẫn kinh nghiệm trận mạc.

Theo đánh giá của các HLV, quần vợt Việt Nam cần tập trung đầu tư xây dựng lứa VĐV trẻ, trong đó ngoài đánh đơn cũng cần tìm kiếm, đào tạo những tay vợt có khả năng đánh đôi để lực lượng đồng đều, sẵn sàng cạnh tranh nội dung đôi nam, đồng đội nam. Hiện các tay vợt đánh đôi hàng đầu khu vực bắt đầu lớn tuổi nên nếu sớm đầu tư, cho "ra ràng" lứa VĐV trẻ, quần vợt Việt Nam hứa hẹn gặt hái nhiều thành công hơn thay vì trông chờ vào mỗi Lý Hoàng Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.