Tồn tại hơn 1 thế kỷ
Đồng hồ đá (còn gọi là đồng hồ Thái dương, đồng hồ Mặt trời) được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, tại số 84 đường Hai Bà Trưng, phường 3, thị xã Bạc Liêu. Chiếc đồng hồ độc đáo này được chế tác bằng gạch và đá, đã tồn tại hơn một thế kỷ qua.
Theo Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, thời xưa Trung Quốc đã phát minh ra đồng hồ nước, sau đó là đồng hồ cát. Đến thế kỷ 15, phương Tây mới chế tạo thành công đồng hồ máy chạy bằng dây thiều (dây cót), quả lắc... Nhưng đồng hồ đá thì có lẽ chỉ duy nhất có ở Bạc Liêu, Việt Nam.
Đồng hồ đá được làm chủ yếu bằng gạch thẻ. Mặt đồng hồ ốp gạch tàu và chia vạch, đánh số La Mã các múi giờ. Đồng hồ cao gần 1m, rộng 1,5m, mặt quay về hướng đông. Phần chính giữa đồng hồ xây một trụ hình chữ nhật đứng, nhô ra phía trước; hai mặt bên hình vuông bằng gạch tàu, mỗi mặt khắc 6 chữ số La Mã theo hình vòng cung, biểu thị số giờ. Phía bên trái có múi giờ từ 6 - 12 giờ trưa. Bên phải được cấu tạo như bên trái, chỉ thời gian từ 12 - 17 giờ chiều.
Khi ánh nắng mặt trời chiếu vào mặt đồng hồ bị trụ xây chính giữa che khuất sẽ tạo ra hai vùng sáng và tối. Dải phân cách giữa hai vệt sáng và tối ấy đến đâu là chỉ thời gian đến đó. Khuyết điểm của đồng hồ này là không sử dụng được khi trời râm, mưa và đêm tối.
Hơn một thế kỷ qua, dù trải qua bao biến cố nhưng đồng hồ đá vẫn tồn tại và hoạt động bình thường. Nếu so với đồng hồ đeo tay ngày nay, thì độ sai lệch của đồng hồ đá là không nhiều.
Nhà phát minh của Nam Bộ
Đồng hồ đá là một công trình mang tính khoa học cao ở Bạc Liêu do kỹ sư Lưu Văn Lang chế tác. “Lý lịch di tích đồng hồ đá” của Bảo tàng Bạc Liêu ghi: Ông Lưu Văn Lang, sinh ngày 5.6.1880 và mất ngày 3.8.1969 tại Tân Phú Đông, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp), là con của cụ Lưu Văn Cứng làm nghề thợ mộc. Thuở nhỏ ông học chữ Nho, lên 10 tuổi học quốc ngữ và chữ Pháp. Với trí thông minh, học giỏi nên ông được cấp học bổng lên Sài Gòn học trường Tây (trường Chasseloup Laubat). Đến năm 17 tuổi, ông đỗ tú tài 2 và nhận học bổng du học Pháp, học trường Ecole Centrale de Paris (trường đào tạo kỹ sư lớn nhất nước Pháp thời bấy giờ). Năm 1904, ông tốt nghiệp hạng ưu, là một trong 3 người xuất sắc nhất trường. Ông là kỹ sư Nam Bộ đầu tiên được đào tạo ở Pháp, người dân Nam Bộ lúc bấy giờ gọi ông là nhà Bác vật. Sau khi về nước, ông được cử sang Vân Nam (Trung Quốc) để tham gia thiết lập tuyến đường xe lửa nối liền Trung Quốc với Đông Dương. Từ năm 1909 - 1940, Lưu Văn Lang làm việc tại Sở Công chánh Sài Gòn, là một bậc thầy trong ngành, được cử về Bạc Liêu theo dõi các công trình xây dựng cầu, đường.
Dân gian kể lại rằng, một lần ông về Bạc Liêu kiểm tra công trình cầu Long Thạnh (thuộc xã Long Thạnh, H.Vĩnh Lợi bây giờ) do kỹ sư người Pháp thiết kế xây dựng. Khi công trình sắp xong, nhà Bác vật đầu tiên của Nam Bộ đến, lấy gậy gõ vào thành cầu rồi nói chắc như đinh đóng cột với kỹ sư người Pháp, rằng: “Không bao lâu nữa cầu này sẽ sập”. Lời nói của Lưu Văn Lang khiến ông kỹ sư Pháp phiền lòng đến mức phẫn nộ. Nhưng quả thật, gần hai tháng sau ngày hoàn thành, cây cầu đã bị sập hoàn toàn. Từ đó, người dân đã gọi cầu Long Thạnh là cầu Sập cho đến ngày nay. Từ sự kiện này, viên Tỉnh trưởng Bạc Liêu lúc bấy giờ rất khâm phục Lưu Văn Lang, đối đãi ông rất hậu hĩ. Để đáp lại thịnh tình đó, ông đã chế tác chiếc đồng hồ đá để tặng viên tỉnh trưởng.
“Lý lịch di tích đồng hồ đá” còn ghi: “Hồi đó, không chỉ những ông Thông, ông Phán, ông Huyện ghé xem giờ trước khi vào trình giấy mà nghe đâu cả ông quan Ba, quan Năm đôi lúc cũng ghé xem để... vặn giây cót cái đồng hồ Tây của mình lại cho nó chuẩn. Và họ không khỏi băn khoăn tự hỏi tại sao nhà Bác vật Lưu Văn Lang thông thái kim cổ đông tây của nước Nam không bị mê hoặc bởi những kỹ xảo Tây phương khác mà khi về nước lại chế tạo nên một vật đo lường thời gian có hồn đến vậy?”.
Đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia
Hiện đồng hồ đá nằm trong khuôn viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bạc Liêu, được bảo tàng tỉnh tôn tạo, giữ gìn. Đây là điểm tham quan du lịch vừa được Công ty du lịch Bạc Liêu đưa vào khai thác. Theo bà Trần Thị Ái Nam, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, hằng năm tỉnh đều có kế hoạch trùng tu, nâng cấp để bảo tồn đồng hồ đá. Đây là một di tích lịch sử - văn hóa rất độc đáo, cần quảng bá, phát huy cho thế hệ sau tham quan, nghiên cứu.
Đồng hồ đá do kỹ sư Lưu Văn Lang chế tác không còn được dùng để mọi người xem giờ một cách thông dụng như trước, song đó là một bảo vật quý giá, ghi dấu một công trình khoa học đầy tính sáng tạo của một người Việt Nam đầu thế kỷ 20. Nó xứng đáng được gìn giữ, bảo tồn như một giá trị đầy tự hào về trí tuệ Việt Nam.
Ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Bảo tàng Bạc Liêu cho biết, tỉnh đang lập tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công nhận đồng hồ đá là di tích lích sử - văn hóa cấp quốc gia, để nâng mức đầu tư, tu bổ, bảo tồn chiếc đồng hồ đá có một không hai này.
Trần Thanh Phong
Bình luận (0)