Hôm qua 16.7, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Lê Phương, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết: Bệnh nhân Q.T.T.N (50 tuổi, ngụ Đồng Nai) có triệu chứng đau đầu âm ỉ kéo dài hơn 1 tháng.
tin liên quan
Những dấu hiệu cảnh báo sớm của tai biến mạch máu nãoSau đó, khi bệnh nhân đau đầu và choáng thì được người nhà đưa vào Bệnh viện 30 tháng 4 (TP.HCM), được chẩn đoán có túi phình khổng lồ động mạch não.
Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy để xử trí, điều trị.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, qua các xét nghiệm hình ảnh, hội chẩn, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân có túi phình khổng lồ ở não, kích thước (25 mm) và nằm ở vị trí phức tạp.
“Mỗi vị trí não sẽ điều khiển một chức năng, hoạt động khác nhau của các cơ quan trong cơ thể. Túi phình mạch máu não chèn ép phần nào của não thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động, chức năng của cơ quan mà phần não đó điều khiển. Đồng thời, lưu lượng máu lớn đi qua túi phình sẽ làm túi phình càng phát triển, nguy cơ vỡ túi phình mạch máu não”, bác sĩ Phương giải thích.
|
Theo tiến sĩ - bác sĩ Trần Minh Trí, Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy: “Diễn tiến tự nhiên là có 50% trường hợp sẽ vỡ túi phình. Khi túi phình vỡ, tỉ lệ bệnh nhân tử vong là 68-100%”.
Với tình trạng trên, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật kẹp bít túi phình và làm cầu nối động mạch não trong và ngoài sọ áp lực cao để giải nguy cho bệnh nhân.
Tỉ mỉ bắc cầu mạch máu não
Trong ca phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy một đoạn tĩnh mạch ở dưới chân của bệnh nhân (dài 15-20 cm). Đoạn tĩnh mạch này được đưa lên làm cầu nối từ động mạch ở cổ, đi luồng dưới da và nối với đoạn mạch máu trên não của bệnh nhân, thay thế cho đoạn mạch máu bị túi phình.
Đồng thời, các bác sĩ cũng kẹp túi phình để bít đường lưu thông máu qua đây.
Như vậy, đoạn tĩnh mạch được lấy ở chân đã “bắc cầu” dẫn máu lên não cho bệnh nhân và máu không đi qua túi phình.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 5 giờ, với 3 ê kíp bác sĩ cùng thực hiện. Một ê kíp bác sĩ phẫu thuật lấy đoạn tĩnh mạch ở dưới chân. Đồng thời, một ê kíp bác sĩ mổ mở ở cổ để nối đoạn tĩnh mạch này vào động mạch cổ. Ê kíp bác sĩ còn lại mổ não, kẹp túi phình và kết nối đoạn tĩnh mạch vô mạch máu não.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục sức khỏe và không có di chứng.
Theo bác sĩ Phương, phẫu thuật nối mạch máu não đã được các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện 10 năm nay nhưng với cầu nối áp lực thấp. Đây là lần đầu tiên phẫu thuật cầu nối áp lực cao được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện cũng là đơn vị tiên phong thực hiện tại Việt Nam.
Bình luận (0)