Bên trong một nấm mồ nhỏ bé, nằm lọt thỏm giữa nơi từng là một biệt thự xa hoa thời La Mã cổ đại, là hài cốt của một đứa trẻ. Bộ xương nằm trong tư thế hộp sọ lệch một bên, xương hàm há rộng vì bị nhét một khối đá vôi kích thước cỡ một quả trứng lớn. Các nhà nghiên cứu cho rằng đứa bé, chưa rõ giới tính, thiệt mạng sau một đợt dịch sốt rét hoành hành, gieo rắc sự chết chóc cho cộng đồng từng cư ngụ tại thị trấn nhỏ Lugano trên ngọn đồi cách Rome (Ý) khoảng 100 km về hướng bắc vào thế kỷ thứ 5. Khối đá có dấu răng, khiến các nhà khảo cổ tin rằng nó đã bị nhét vào miệng đứa trẻ sau khi chết, theo một tập tục cổ đầy quái đản nhằm ngăn chặn nạn nhân trỗi dậy từ nấm mồ và làm lan tràn bệnh dịch.
Nghĩa trang chôn “phần lực dữ”
Các nhà khảo cổ học gọi những trường hợp chôn cất dạng này là “kiểu chôn ma cà rồng”. Dân địa phương ở thị trấn Lugano thuộc vùng Teverina gọi nó là “ma cà rồng xứ Lugano”. Jordan Wilson, nghiên cứu sinh của Đại học Arizona (Mỹ), một thành viên của đội khảo cổ học, cho hay đây là phát hiện mới nhất trong vài chục thi hài được tìm thấy tại La Necropoli dei Bambini, hay “Nghĩa trang trẻ con”.
|
Đây là một villa bị bỏ hoang, và theo thời gian đã trở thành điểm chôn cất trẻ em chết bất thường vào giữa thế kỷ thứ 5. Biệt thự biến thành nghĩa trang có kích thước cỡ một trung tâm mua sắm thời hiện đại. Nơi đây các chuyên gia tìm thấy nhiều hài cốt của trẻ con ở mọi độ tuổi, từ thai nhi, trẻ sơ sinh... Chôn cùng với chúng là những thứ như xương cóc, vuốt quạ, xác chó... Các nhà khảo cổ học gọi đây là “chôn cất những phần lực dữ”, hay là phương pháp đầy mê tín mà người xưa thường dùng để mai táng những người bị cho là có năng lực siêu nhiên như đội mồ sống dậy sau khi chết.
Thử tưởng tượng một cộng đồng nằm trong đồi, bị mắc kẹt giữa dị giáo và Thiên Chúa giáo đang trên đà phát triển, kinh hoàng trước những cái chết mà họ không thể giải thích được. Thế là họ chuyển sang tin vào những trò phù thủy và chôn con em mình với nghi thức trừ tà, đuổi quỷ, theo Giáo sư David Soren, người cố vấn cho các nỗ lực khảo cổ tại nơi này trong suốt 3 thế kỷ qua. Những phát hiện trên phần nào cho người đời sau mường tượng về một cộng đồng đang sống trong nỗi lo sợ phập phồng khi trẻ con cứ chết đi mà chẳng rõ nguyên nhân. Giới khảo cổ học cho rằng điều này có thể mở đường cho sự chấm dứt của Đế chế La Mã và thậm chí ngăn chặn Thiền vu của Đế quốc Hung, vua Attila (người châu Âu thời đó gọi là Attila Rợ Hung) không hoàn tất được nỗ lực xâm lăng Ý. Vua Attila suýt nữa đánh chiếm kinh thành Constantinopolis của đế quốc Đông La Mã, nhưng một dịch bệnh đã khiến kế hoạch này không thành.
Giáo sư Soren giải thích đó là một tình huống khi mà bạn không biết chuyện gì đang xảy ra, khi mà con người thử mọi cách nhưng cuối cùng lâm vào tình cảnh tuyệt vọng và không còn cách nào khác là nghe theo bất cứ giải pháp nào có thể, dù kỳ quặc đến đâu.
Bình luận (0)