(iHay) Tôi chưa bao giờ quên cảm xúc tuyệt diệu của mình khi đặt chân lên Mã Pí Lèng (Hà Giang)...
>> Hà Giang, mùa đá nở hoa - Kỳ 5: Thăm cột cờ Lũng Cú, ghé đèo Mã Pí Lèng
|
Xuất phát từ cao nguyên Đồng Văn khi những tia nắng đầu tiên vừa rọi xuống, sương sớm còn chưa kịp tan, trên những chiếc xe máy, chúng tôi chạy men theo những cung đường núi khúc khuỷu để lên đến Mã Pí Lèng - nơi mà chúng tôi được “khuyến cáo”: không thể không đặt chân đến nếu muốn biết đất nước Việt Nam tuyệt vời như thế nào.
|
Và khi còn ngập người trong cái lạnh co ro của con đường núi này, dãy đồi núi Mã Pí Lèng trùng điệp hiện ra, khi chúng tôi chưa kịp định thần. Tất cả hiện ra choáng ngợp. Cái đẹp của Mã Pí Lèng làm cơn lạnh như tiêu tan...
Những cung đèo núi uốn lượn như làn sóng mềm mại, trên thân những dãy núi trùng điệp dựng đứng, cảm giác thật khó diễn tả bằng ngôn từ. Khi đi trên những con đường đèo dốc uốn lượn của Mã Pí Lèng, nơi đâu cũng muốn dừng chân để ghi lại những khoảnh khắc đó, nhưng cứ hồi hộp lo lắng khi dừng lại, những cảnh tượng sẽ như lớp sương mờ ảo biến mất.
Vậy mà, nó vẫn đứng đó, sừng sững như một “công trình” hoàn hảo bậc nhất của tạo hóa. Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông Nho Quế vĩ đại chỉ còn lại như một sợi chỉ mong manh, vắt vẻo, uốn lượn...
|
Người bạn đồng hành với tôi là người Hà Giang, chia sẻ, Mã Pí Lèng có nghĩa là “sống mũi ngựa”, với độ cao trung bình hơn 2.000m so với mặt nước biển, là nơi hiểm trở bậc nhất của vùng đất này.
Bạn cũng khoe, nơi đây từ cả trăm năm trước, đỉnh Mã Pí Lèng và công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn được các học giả người Pháp gọi là "tượng đài địa chất", mang tầm quốc tế.
|
Những cảnh đẹp thiên tạo ở Mã Pí Lèng, tưởng chừng chỉ có trong những giấc mơ...
Phượt ký của Diệu Hiền
>> Lữ khách kể chuyện ma: Bóng đen kỳ ảo trong đêm Mã Pì Lèng
>> Dân phượt 'khóc thương' mỏm đá huyền thoại Mã Pí Lèng bị 'bê tông hóa
Bình luận (0)