“Tôi đã nhận được bản án tử hình từ một giáo sĩ đạo Hồi và những lời đe dọa ám sát, sau khi tôi phát biểu ủng hộ quan hệ tình dục trước hôn nhân trên truyền hình”, BBC dẫn lời ông Ghzioui.
Theo điều 490 Bộ luật Hình sự Ma Rốc, người dân nước này sẽ bị phạt tù nếu quan hệ tình dục ngoài hôn nhân (tùy theo mức độ, thấp nhất là 2 tháng tù giam). Điều này dựa trên luật của đạo Hồi nghiêm cấm những người chưa kết hôn quan hệ tình dục.
Đó là lý do vì sao lời phát biểu của ông Ghzioui gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội Ma Rốc, vốn vẫn còn khá bảo thủ trước vấn đề “ăn cơm trước kẻng”.
Trong khi đó, thế hệ người trẻ của nước này lại lên tiếng phản đối điều luật 490.
Một chuyên gia về sức khỏe sinh sản ở Ma Rốc, ông Abu Bakr Harakat cho biết định kiến về vấn đề “ăn cơm trước kẻng” thường liên quan đến chuyện trinh tiết của người phụ nữ, nên không thể thay đổi một sớm một chiều.
Bị buộc cưới kẻ... hiếp dâm mình
Hồi năm 2011, một thẩm phán ở Ma Rốc đã tuyên án buộc Amina Filali, một thiếu nữ 16 tuổi, phải kết hôn với người đàn ông đã cưỡng hiếp cô để giữ gìn danh dự cho gia đình ở một ngôi làng phía bắc nước này.
Nhưng đến tháng 3.2012, cô Filali đã tự sát sau khi bị người chồng “hiếp dâm” kia liên tục đánh đập và hành hạ dã man.
|
Nhà xã hội học người Ma Rốc, ông Abdessamad Dialmy, thuộc Đại học Mohammed V, cho rằng chính phủ cần phải điều chỉnh hoặc loại bỏ điều luật 490 vì con người có quyền tự do quan hệ tình dục với người mình yêu thương cho dù trước hay sau hôn nhân.
Ông Dialmy cho biết ngày càng nhiều người trẻ ở Ma Rốc “ăn cơm trước kẻng” và “xã hội dù bảo thủ với vấn đề này nhưng thực chất con người lúc nào cũng nghĩ về tình dục”.
Né điều luật 490 bằng... phòng khách sạn
Ngày nay, nhiều cặp tình nhân trẻ vẫn có thể tránh án tù nhờ vào các khách sạn, mặc cho chính phủ Ma Rốc cấm nam nữ chưa kết hôn ngủ chung phòng.
Cô Loubaba (25 tuổi) là một ví dụ điển hình cho thấy suy nghĩ của thế hệ trẻ Ma Rốc đã hoàn toàn thay đổi.
“Nếu tôi muốn gần gũi với bạn trai của tôi. Chúng tôi chỉ cần đi xa, đặt hai phòng riêng trong khách sạn cho đúng luật, rồi sau đó thì…”, Loubaba nói.
Theo BBC, Bộ trưởng Tư pháp Ma Rốc, ông Mustapha Ramid khẳng định Ma Rốc sẽ không thay đổi điều luật 490 và “điều luật này nếu được thay đổi sẽ mang đến thảm họa cho xã hội Ma Rốc”. “Hợp pháp hóa việc quan hệ tình dục trước hôn nhân sẽ khiến cho xã hội Ma Rốc suy đồi”, ông Ramid nói.
Vấn đề “ăn cơm trước kẻng” từ lâu nay rất nhạy cảm ở Ma Rốc nhưng nay lại được mang ra tranh luận trên truyền hình trong tuần này.
Phúc Duy
>> Có 20% cặp vợ chồng “ăn cơm trước kẻng”
>> “Ăn cơm trước kẻng”: Chớ để có lần hai!
>> “Ăn cơm trước kẻng”: Có nhất thiết phải “trầm trọng hóa”?
Bình luận (0)