Chuyến bay đêm từ Texas (Mỹ) về TPHCM đã đưa nghệ sĩ Mạc Can trở về quê nhà sau những tháng ngày dài biền biệt trên đất khách.
Một ngày cuối tháng 5-2009, nghệ sĩ Mạc Can lẳng lặng lên máy bay rời khỏi Việt Nam mà không có một lời tạm biệt nào với bạn bè trong giới. Một thời gian dài làng văn nghệ rộ lên thông tin “Mạc Can mất tích”, rồi bạn bè văn nghệ ngậm ngùi bảo nhau TPHCM bây giờ đã vắng tiếng cười Mạc Can. Thế rồi, gần 2 năm sau, ông hề già này trở về - cũng lặng lẽ như cách ông ra đi.
|
Trôi dạt
“Vừa đặt chân xuống sân bay, nhìn lại những hình ảnh thân quen, nghe những tiếng nói của quê nhà, tôi cứ rưng rưng muốn khóc. Lần này trở về tôi sẽ không đi đâu quá xa nữa. Đất nước mình, quê hương mình mới là nơi chốn yên bình nhất” – nghệ sĩ Mạc Can mở đầu câu chuyện ly hương của mình.
Rời Việt Nam theo lời mời sang Nhật biểu diễn của một đơn vị nghệ thuật, Mạc Can bắt đầu cuộc hành trình lưu diễn tha hương của mình từ đất nước mặt trời mọc đến các tiểu bang của nước Mỹ, sang cả Canada. Tiếng là đi nhiều nước nhưng nơi nào cũng vội, có khi đến điểm diễn xong rồi lại đi. Ấn tượng của ông ở xứ sở hoa anh đào chỉ kịp nhớ đó là vùng núi tuyết và ở Canada thì lạnh giá. Chỉ có ở nước Mỹ là ông đi diễn ở nhiều tiểu bang, những nơi có đông người Việt, trong các casino và gắn bó nhiều nhất với vùng ngoại ô thành phố Dallas (thuộc tiểu bang Texas).
Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ biểu diễn ảo thuật, tấu hài trên sân khấu, các hội chợ, khu vui chơi giải trí mà còn phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Cởi bỏ tấm áo hề già, lão nghệ sĩ cũng lao vào cuộc sống như những người lao động tứ xứ chịu thương chịu khó. Chỉ khác những người lao động nhập cư, ông kiếm tiền nhưng không thấy cực nhọc vì đó cũng chính là những trải nghiệm ông cần cho nghiệp viết.
“Phải dấn thân vào cuộc sống mới hiểu hết, khám phá hết được cuộc sống của người lao động ở nước ngoài. Tôi làm việc giống như những du học sinh làm bán thời gian, chỗ này một ít, chỗ kia một ít và công việc nào thấy thuận tiện, làm được là làm. Tôi muốn mình hiểu biết càng nhiều càng tốt” – Mạc Can nói. Vậy là có lúc ông đi bán hàng trong chợ, hòa mình vào những bon chen xô bồ để quan sát cuộc sống. Có lúc ông lao động trong một lò bánh mì, trò chuyện với những người làm chung để tìm hiểu con người, cuộc sống... Lúc khác, ông lại trở thành nhân viên bưng bê ở quán phở.
Căn phòng nhỏ trên gác thuê của một người Mễ - làm nghề sửa chữa, buôn bán phụ tùng xe ở Dallas - được chủ nhà trang bị đầy đủ những vật dụng cần thiết cho “ông già lang thang” sống trong suốt thời gian gần 2 năm qua. Mang tiếng là phòng cho thuê giá rẻ dành cho lao động nhập cư nhưng mỗi tháng Mạc Can cũng phải trả 300 USD, có khi ông chưa đủ tiền trả thì được chủ nhà thương tình giảm giá cho 50 USD.
Nơi ở cách thành phố khoảng 40km, “ông già Việt” tìm mua một chiếc xe hơi giá rẻ chỉ có 400 USD làm phương tiện di chuyển. Ông nói đùa: “Hồi ở trong nước thì đi chiếc Chaly cũ mèm, sang Mỹ thì gắn với “cái xe phế thải”.
“Tôi muốn mình có thể nuôi sống bản thân bằng chính sức lao động của mình. Làm cái gì cũng không quan trọng, chỉ cần tôi được trải nghiệm. Nhưng nhiều lúc cũng thấy tủi thân vô cùng, thực tế thì mình cũng phải cật lực kiếm từng đồng bạc lẻ để sống, cũng đâu khác gì những người lao động nhập cư. Mà họ còn có người thân, bạn bè còn mình thì không có ai bên cạnh cả. Khoảng thời gian đó tôi gầy đi nhiều, thấy nỗi lo cơm áo cũng oằn trên lưng mình. Cuộc sống ở nơi giá cả đắt đỏ như nước Mỹ vốn không dễ dàng gì” – nghệ sĩ Mạc Can tâm sự.
|
Nỗi sợ cô độc
Nhưng có vất vả, kham khổ đến đâu cũng không đáng sợ bằng sự cô độc. Mạc Can nói nhiều lúc ông thèm được nghe tiếng nói quê nhà, thèm một bữa cơm sum vầy, thèm cái cảm giác được ngồi uống trà đá ở quán quen, trò chuyện cùng bè bạn.
Sống trong khu lao động với đủ loại người nhập cư tứ xứ nhưng ngôn ngữ bất đồng nên ông không có bạn, đi đâu cũng chỉ thui thủi một mình. Thi thoảng ra khu chợ người Việt mua sắm ông mới có dịp được nghe tiếng nói quê hương.
Có lần ông bị cảm nặng không đi nổi, trong nhà trọ không có thức ăn, thuốc thì phải có đơn thuốc của bác sĩ mới mua được. May nhờ có một đồng hương tình cờ nhận ra ông, giúp lo chạy chữa thuốc thang và chăm sóc ông cho đến khi khỏi bệnh. “Nếu không nhờ tấm chân tình này, có khi tôi đã “qua phà” trong lần bệnh nặng đó rồi” – Mạc Can rùng mình nhớ lại.
Hai lần đón Tết ở xứ người là cả hai lần nghệ sĩ không khỏi ngậm ngùi. Mạc Can kể ông tìm niềm vui cho mình bằng cách hòa lẫn vào phố đông và cộng thêm niềm vui của người khác bằng những tiết mục ảo thuật hài hước. Có lúc ông đi bán sách trong hội chợ Xuân, giao lưu với khán giả, độc giả. Nhưng rồi khi mọi hoạt động trong ngày kết thúc, ông hề già lầm lũi ngược đường về ngôi nhà vắng lặng, ngồi một mình bên ô cửa nhỏ rưng rưng nhớ quê. Mạc Can cho biết mình đã đi qua những ngày tháng như vậy trên đất khách...
Điều khiến nghệ sĩ Mạc Can ấm lòng trong những ngày phiêu bạt là tình cảm nồng hậu mà khán giả, cả kiều bào lẫn người nước ngoài, đã dành cho ông. Có người biết ông qua các phim truyện được phát sóng trên kênh VTV4, có độc giả yêu thích tác phẩm Tấm ván phóng dao (đã được phát hành tại Mỹ) nên ở điểm diễn nào ông cũng được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Những buổi gặp gỡ anh em nghệ sĩ hải ngoại hay đồng nghiệp trong nước sang lưu diễn cũng làm cho lão nghệ sĩ cảm nhận được chút tình quê hương nơi viễn xứ.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)