Hãng Reuters ngày 22.12 đưa tin Malaysia đã ký thỏa thuận mua 6,4 triệu liều vắc xin Covid-19 của hãng AstraZeneca (Anh) và đang đàm phán giai đoạn cuối với các hãng của Trung Quốc và Nga để mua thêm.
Quốc gia Đông Nam Á này đã đặt mua 12,8 triệu liều từ thỏa thuận ký với Pfizer/BioNTech vào tháng trước, cũng như tham gia sáng kiến COVAX về chia sẻ vắc xin do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hậu thuẫn.
“Điều này có nghĩa là chúng ta có nguồn vắc xin cho 40% dân số”, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin phát biểu trên truyền hình.
Malaysia dự kiến mua đủ vắc xin để chủng ngừa cho 26,5 triệu người, tương đương hơn 80% dân số. Chính phủ hiện đang đàm phán giai đoạn cuối với các hãng Sinovac và CanSino của Trung Quốc, cũng như Viện Gamaleya của Nga để mua cho đủ phần còn lại.
Các thỏa thuận mua vắc xin trên dự kiến có tổng giá trị 504,4 triệu USD. Bên cạnh đó, Thủ tướng Muhyiddin cho hay ông sẽ là một trong những người đầu tiên tiêm vắc xin để người dân noi theo, trước khi các nhóm có nguy cơ cao được chủng ngừa.
Chính phủ Malaysia dự kiến nhận lô vắc xin đầu tiên của Pfizer/BioNTech vào tháng 2.2021. Malaysia là nước đầu tiên ký thỏa thuận với liên doanh Mỹ-Đức này. Theo đó, Malaysia sẽ nhận 1 triệu liều trong quý 1 năm tới, và lần lượt 1,7 triệu, 5,8 triệu và 4,3 triệu liều vào các quý còn lại.
Láng giềng Singapore là nước đầu tiên nhận vắc xin của Pfizer/BioNTech vào ngày 21.12, sau khi lô đầu tiên được chuyển đến từ Bỉ.
Theo South China Morning Post, các hãng dược của Trung Quốc đã thỏa thuận cung cấp gần 400 triệu liều vắc xin Covid-19 cho các nước, trong bối cảnh vắc xin bắt đầu được giao và nhiều nước nôn nóng tiếp cận vắc xin.
Các hãng của Trung Quốc gồm Sinopharm, Sinovac và CanSino đã thỏa thuận cung cấp vắc xin cho những nước Nam Mỹ, Trung Đông và châu Á, theo dữ liệu tổng hợp bởi công ty Airfinity (Anh) và Trung tâm Sáng tạo Y tế toàn cầu (Mỹ).
Các chuyên gia cho rằng ý chí chính trị và năng lực trong ngành vắc xin đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung vắc xin Covid-19 giới hạn trên toàn cầu. Trong khi đó, vẫn còn những câu hỏi về hiệu quả của vắc xin và minh bạch dữ liệu, cũng như cách Bắc Kinh cân bằng việc cung cấp cho nước ngoài và phân phối cho 1,4 tỉ dân trong nước.
Bình luận (0)