Mang gạo và dưa muối đến trường

08/09/2010 10:15 GMT+7

Giữa đại ngàn Trường Sơn, thêm một năm học mới cũng là thêm một năm thử thách cho cả thầy lẫn trò. Những câu chuyện dạy và học giữa rừng núi trập trùng thấm đẫm gian khổ mà đầy ắp tình người.

Tờ mờ sáng, thầy Lý Ngọc Bình - người đứng lớp của một điểm trường tại thôn 9, thuộc Trường THCS Ngọc Tem (xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, Kon Tum), ngôi trường có cả ba cấp học: mầm non, tiểu học, THCS - chuẩn bị lên núi. Lần nào cũng vậy, hành trang cho một chuyến vào với học sinh ngoài những trang giáo án được xếp cẩn thận kê trên những bó rau, mớ cá, còn có cả một bao gạo và một ít dưa muối, chất trong thùng tôn to đùng.

“Chỗ mình dạy heo hút quá, hàng hóa, thức ăn không thể mang vào được nên phải dự phòng từ trước. Mỗi lần đem đi như thế này vừa tiết kiệm chi phí vừa để cầm cự trong khoảng vài tuần ở lại dạy chữ” - thầy Bình nói.

Mơ ngày mở đường

Nếu tính quãng đường thì từ điểm trường chính vào tới bản không xa nhưng gần như toàn bộ hành trình vượt núi đều ngập sâu trong bùn đặc. Nơi nào không đóng bùn lại có hàng ngàn cục đá to như cái nồi chặn lối xe đi. Sau khi nghỉ giải lao trên đỉnh dốc và nhìn xuống các bản làng lẩn khuất dưới các đám mây, thầy Bình phát hiện chiếc xe gắn máy của mình đã bị bùn đặc chảy vào ống xả từ khi nào, không thể nổ máy được.

Sau một hồi cạy bớt bùn, thông ống xả, thầy Bình cài số rồi ngồi lên cầm tay lái để chiếc xe trượt dài xuống dốc, nhưng đi được một quãng bỗng cả xe, cả người lộn hẳn về phía trước, áo quần, mặt mũi bê bết bùn đất. Thầy chỉ biết cười: “Vậy là sáng nay phải cho các em nghỉ học chứ đồ đạc, quần áo thế này, vào gột rửa cho sạch sẽ thì mặt trời cũng qua khỏi núi mất”.

Đốt đuốc tìm học trò

Những ngày này, trên 6.000 học sinh huyện Đông Trường Sơn, Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã bước vào năm học mới 2010-2011. Tại Trường tiểu học Đăk Long, đồng hồ đã chỉ 20 giờ, cô giáo Trương Thị Mỹ Linh bên bữa cơm chiều đã lạnh ngắt, đang ngóng chờ chồng là thầy Nguyễn Văn Hoành, giáo viên Trường THCS xã Hiếu. Cô Linh cho biết thầy Hoành đang tranh thủ xuống các buôn làng để vận động học sinh đến lớp, mỗi tuần phải dành 3-4 ngày đến từng gia đình vận động. Lớp vắng em nào thì phải tức tốc tìm đến nhà, nếu không các em sẽ không đến trường mà theo cha mẹ lên rẫy.

Điểm trường Kon Leng, xã Đăk Long chìm trong đêm tối. Trong lớp học có hai cô giáo Phạm Thị Hiệp và Trần Kiều Loan, đứng cuối lớp là anh A Ét với công việc hỗ trợ giáo viên. Cô Hiệp kể: lớp học này được duy trì cả sáng, chiều. Về đêm, thay cho việc tự học bài ở nhà, các cô tổ chức cho các em học bài tại lớp vì nếu để các em tự giác thì gần như không thể. Đêm, thấy chỗ ngồi nào vắng học sinh, các cô lại đôn đáo đốt đuốc đến tận nhà tìm, đưa bằng được các em đến lớp.

Trần Thảo Nhi

Điểm trường nơi thầy Bình dạy nằm ở gò đất cao nhất của buôn Điek Not B. Chúng tôi khó nhận ra đó là ngôi trường bởi nó lọt thỏm giữa buôn làng và gần như chẳng có gì hơn ngoài tám bộ bàn ghế học sinh, tường bằng nứa và mái tôn đã co rúm, mỏng như tờ giấy vì nhiều lần bị gió quật. Thấy thầy đến, các em học sinh đen nhẻm, lam lũ đã đợi sẵn từ sáng vội lao xuống. Đứa bê thùng xốp đựng sách vở và thức ăn lên trường, đứa rửa giày cho thầy...

Thầy Bình khoe học trò đứa nào cũng chăm chỉ. Trong lớp học có lớp 1 và lớp 4 ghép chung ấy, dẫu chỉ có 11 học sinh trên tám bộ bàn ghế, 22 tấm tôn lợp trên mái, một cái bảng, mấy cục phấn được nhà trường cấp nhưng thầy Bình bảo: “Dẫu sao thì ở đây như thế là được rồi, nhiều chỗ còn khổ hơn”.

“Đem gạo và dưa muối lên lớp, ở lại đi dạy vài ba tuần mới “hạ sơn” một lần. Chỗ ngủ và nấu ăn của mình được ngăn bằng tấm bảng với lớp học. Đêm nào buồn quá thì xuống bản thăm bà con đồng bào mình rồi về ngủ. Nhớ vợ, thương con thì không biết thế nào mà nói. Khi nào đường mở, xe thông chắc mình sẽ đưa vợ con vào thăm” - thầy Bình thổ lộ.

Thầy cô giáo tại Trường Ngọc Tem cho biết phần lớn các em học sinh lên trú tại trường để học đều là con em đồng bào Ca Dong, H’Re. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đăng Linh nói: “Hoàn cảnh khó khăn thì ở đây em nào cũng như nhau. Trường có 178 em trú tại lớp, mang tiếng là trường bán trú dân nuôi nhưng vì cha mẹ các em cuộc sống cũng khó khăn nên thầy cô nuôi hết”.

Gọi là bán trú chứ thật ra là nội trú vì đường xa, các em không thể đi về nên ở luôn tại trường trong hai phòng học được trưng dụng làm chỗ ngủ. “Hơn nữa, học ở trường chắc chắn mỗi ngày có ba bữa cơm trắng chứ về nhà chẳng biết có hay không”. Thầy Linh tâm sự đến thời điểm hiện tại nhà trường chỉ có thể đi xin gạo cứu trợ từ xã, rồi các tổ chức về cho các em ăn cầm hơi chứ chưa nghĩ đến chuyện các em ăn đủ chất.

Ngoài chuyện thiếu ăn, thiếu mặc, các em học sinh ở đây còn phải vượt đường xa đến lớp trong những điều kiện khắc nghiệt. Học sinh ở thôn xa nhất đi rừng đến lớp cũng gần một ngày. Vì thế, nếu sáng thứ bảy về nhà thì sáng chủ nhật đã phải trở lại trường.

Thầy giáo bắt cá, hái rau

Ăn cơm với muối trắng


Bữa cơm trưa của học sinh Trường THCS Ngọc Tem - Ảnh: T.T.N.

Đến bữa cơm, mỗi nhóm cả chục em học sinh, nhóm thì ra vườn ngồi ăn, nhóm thì nấp sau cánh cửa giành nhau từng giọt nước mắm. Bàn nào cũng chỉ có một chậu cơm và muối trắng. Nếu có canh thì cũng dễ nhìn thấy đáy nồi vì rau ít, người đông. Hiếm hoi lắm mới có ngày được thêm ít cá khô. Vậy mà các em vẫn ăn ngon lành. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đăng Linh cho biết mỗi ngày 178 học sinh bán trú của trường ăn hết 130-150kg gạo.

Trong số nhiều thầy cô đang công tác tại Trường THCS Ngọc Tem thì cô Hứa Thị Thúy Kiều và chồng cũng là đồng nghiệp được nhiều người khen là “may mắn” vì hai vợ chồng được phân dạy tại cùng một điểm trường. Tuy nhiên, điều khiến vợ chồng cô Kiều chạnh lòng nhất là đứa con trai của mình phải gửi bà nội ở huyện Đắk Hà nuôi giùm từ khi vừa tròn 6 tháng tuổi. Khoảng thời gian gần trọn một năm nay là thời điểm khó khăn nhất của hai vợ chồng cô khi phải đi về liên tục để thăm con.

Dù được xem là điểm tựa tinh thần cho các giáo viên trong trường nhưng khi nói về gia đình mình, thầy Nguyễn Đăng Linh cũng không khỏi bùi ngùi: “Mang tiếng là cha nhưng từ ngày con còn nhỏ, tôi đã vào trường công tác, mọi thứ ở gia đình một mình vợ phải cáng đáng. Đường xa thế này muốn về thăm con cũng không phải dễ, nhiều hôm nhớ vợ, thương con quá chỉ biết chạy ra đầu dốc ngay trụ sở UBND xã, nơi có thể dò được sóng điện thoại để gọi điện cho gia đình”.

Không có sóng điện thoại, không báo chí..., chuyện thiếu thốn về vật chất là câu chuyện thường nhật mà các thầy cô giáo ở đây phải đối diện hằng ngày. Hai thầy giáo trẻ Hoành Xuân Hùng và Hoàng Đình Xuân Nam mới về trường dạy, được phân vào thôn 2 đứng lớp nhưng tại nơi này không có phòng cho giáo viên ở.

Mọi thứ gần như trống trơn, cả hai thầy giáo trẻ phải đến xin ở tạm tại căn nhà gỗ cộng đồng của bản, rồi đi mượn nồi, xin lửa, kiếm gạo thổi cơm. Ở đây mọi thứ hàng hóa đều trở nên đắt đỏ gấp đôi, gấp ba lần, đến một bó rau muống cũng 5.000-6.000 đồng nên để tiết kiệm chi phí, sau giờ lên lớp, các thầy lại xuống suối bắt cá, hái rau về lo bữa ăn.

Thầy Đinh Lê Chon, phó Phòng Giáo dục huyện Kon Plông, cho biết do điều kiện đặc thù về địa hình cũng như thời tiết trên đỉnh Trường Sơn nên việc dạy và học tại đây gặp rất nhiều khó khăn, đã có nhiều trường hợp giáo viên phải bỏ mình lại giữa rừng trong quá trình gieo chữ.

Trên đường đến bản với học sinh, cô giáo Trần Thị Mỹ Phương, giáo viên Trường tiểu học Măng Bút 1, đã bị lật thuyền độc mộc tại suối Sa Nghé, buôn Long Rúa, xã Măng Bút. Quê cô Phương ở tận Đức Thọ, Hà Tĩnh, nên sau khi cô qua đời, thầy cô phải thuê xe đặc dụng đưa về. Năm 2006, cô giáo Tịnh (Trường THCS xã Đắk Nên) cũng tử nạn do nước suối bất ngờ đổ về khi cô đang trên đường qua bản mua thức ăn.

Thầy Nguyễn Đăng Linh kể vào năm 2007, cô giáo Nguyễn Thị Thọ, giáo viên tại trường, cũng mất do bị lũ cuốn trôi khi đang trên đường vào lớp. Khi đó cô Thọ dự định đến ngày cuối tuần sẽ đưa bạn trai là một đồng nghiệp về giới thiệu với gia đình ở Quảng Ngãi. Nhưng mới ngày đầu tuần cô đã ra đi mãi mãi.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.