Mang mảng xanh về phố, đừng bỏ phố về rừng

22/01/2022 12:51 GMT+7

Những hành động nhỏ như phân loại rác thải, trồng cây xanh… là cách để bạn trẻ nhân rộng mảng xanh từ nhà đến phố, lan tỏa lối sống bền vững và bảo vệ môi trường .

Một số bạn trẻ chọn “bỏ phố về quê” hay “bỏ phố về rừng” vì muốn gần gũi với thiên nhiên và có môi trường sống trong lành. Họ cho rằng “phố xanh” sẽ là yếu tố quan trọng giữ chân người ở phố.

Các bạn sinh viên trong CLB VO-LIS tham gia hoạt động trồng cây

NVCC

Để “phố xanh” giữ chân bạn trẻ

Vũ Nguyễn Thị Hoàng Châu, Bí thư Chi đoàn Khu phố 3, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM, hào hứng khi chia sẻ về “mảng xanh” từ nhà đến phố của mình. Vì gia đình thích cây xanh nên Châu trồng rất nhiều cây tại nhà. Cô cũng áp dụng mảng xanh cho Khu phố 3, cùng mọi người tái chế chai nhựa thành bồn đựng cây và trồng 100 cây xanh nhỏ.

Châu nhớ về những con đường với cây xanh bao phủ khiến mọi người thích thú khi đi qua nhưng đến thời điểm cây bị đốn, mọi người từ bỏ và chọn lối đi khác. Do đó, nữ bí thư chi đoàn cho rằng phố xanh sẽ là yếu tố quan trọng để bạn trẻ “lưu luyến” ở lại phố lâu dài.

“Môi trường sống lý tưởng là nơi có không gian “xanh - sạch - đẹp”, không rác thải khó tái chế. Mọi người được hít thở không khí trong lành và thông thoáng. Chúng tôi chỉ bắt đầu với những việc nhỏ, góp sức vào công cuộc sống xanh ở thành phố như tham gia trồng cây, phân loại rác…”, Châu nói thêm.

Cũng theo đuổi lối sống xanh, Tô Võ Minh Phượng (22 tuổi, thực tập sinh tại công ty quảng cáo ở TP.HCM) luôn mang theo bên mình bộ đồ dùng sống xanh có thể sử dụng lại nhiều lần gồm ống hút thủy tinh, bình nước, túi vải... mỗi khi ra ngoài. Cô đang sinh sống tại một chung cư Q.9 và hài lòng vì ở đó được bao quanh bởi nhiều cây xanh.

Bên cạnh theo đuổi lối sống xanh, người trẻ còn tham gia các hoạt động vì môi trường như tái chế áo thun cũ, vải vụn... thành túi xách thời trang

THANH DUNG

Phượng cho biết: “Tôi cũng đồng tình với quan điểm phố xanh là yếu tố níu chân người trẻ ở lại thành phố. Không gian trong lành sẽ giúp tôi giảm bớt căng thẳng và làm việc năng suất hơn, vì được sống khỏe và hòa mình vào thiên nhiên tốt hơn nhiều lần so với được sống giàu nhưng phải hít khí bụi hằng ngày”.

Tương tự, anh Bùi Việt Hải, Bí thư Đoàn P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM, cho biết anh thường tổ chức những chương trình cho đoàn viên thanh niên như chủ nhật xanh, vận động các bạn tham gia ở nhiều địa điểm, quét dọn vệ sinh, trồng mới lại cây xanh bị chết… Còn riêng gia đình anh cũng xử lý rác ngay tại nhà bằng cách phân loại thùng rác thành hai ngăn riêng cho rác vô cơ và hữu cơ.

Một khu vực “Mảng xanh cộng đồng” tại khu chung cư 1A - 1B Nguyễn Đình Chiểu (Q.1, TP.HCM) do tổ chức Change phối hợp cùng các bên đối tác và cư dân địa phương thiết kế, thi công

NGỌC LONG

“Nhân rộng mảng xanh thì hình thức hiệu quả nhất là tuyên truyền cho các bạn trẻ hiểu biết về biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống của chúng ta như thế nào để chủ động tạo mảng xanh trong chính nơi mình sống”, anh Hải nói thêm.

Hoài bão phủ xanh thành phố

Anh Bùi Việt Hải cho biết thêm, quanh chung cư 1A-1B Nguyễn Đình Chiểu (Q.1, TP.HCM) có 3 bồn cây nhưng đã xuống cấp, hư hỏng và chứa nhiều rác thải nhựa. “Chúng tôi tiến hành khảo sát, xây mới và trồng thêm cây để tạo mảng xanh trong cộng đồng nhiều hơn. Các hoạt động về môi trường vẫn được phường duy trì và thực hiện thường xuyên để xây dựng khu phố xanh”, anh Hải nói.

Chia sẻ về phương án nhân rộng mảng xanh tại TP.HCM, bà Thới Thị Châu Nhi, Phó giám đốc tổ chức phi chính phủ Change, cho biết tổ chức này vừa phối hợp cùng các bên xây dựng “Mảng xanh cộng đồng” tại phường Đa Kao (Q.1, TP.HCM) nhằm giúp người dân có thể thư giãn và vui chơi tại chính không gian sống của mình.

Đoàn viên thanh niên tham gia cải tạo mảng xanh, trồng cây treo tường ở khu phố phường Đa Kao (Q.1, TP.HCM)

nvcc

Công trình có nhiều hoạt động cải tạo như biến những bồn cây thành khu vực sinh hoạt chung ngoài trời cho khu chung cư, có ghế đá và bóng râm cho người dân và khoảng sân cho trẻ em, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động giúp chăm sóc và duy trì mảng xanh…

Bà Nhi chia sẻ: “Để làm được điều này, sự hỗ trợ của cư dân địa phương là điều cần thiết. Họ không chỉ cùng chúng tôi phản hồi thiết kế công trình và đưa ra các ý kiến cải tạo khác nhau, mà còn tự kêu gọi quỹ và đi xin vật dụng khi không đủ kinh phí. Vì đã đóng góp vào việc hình thành nên không gian xanh, cư dân sẽ xem đây là tài sản của họ, sẽ yêu quý và gìn giữ không gian chung”.

Bà Nhi mong muốn có thể phủ xanh thành phố bằng cách nhân rộng mảng xanh tương tự ở các khu dân cư có nhu cầu, cũng như truyền cảm hứng để những khu phố khác cùng thực hiện.

Theo bà Châu Nhi, cần tạo điều kiện để người dân cùng tham gia vào hoạt động xây dựng mảng xanh tại cộng đồng để nâng cao ý thức trân trọng khu vực chung
CHANGE

“Tôi muốn tiếp cận đến đối tượng là các bạn trẻ vì dễ tác động tích cực vào họ, tùy theo nhu cầu và sở thích thì có cách thức tiếp cận phù hợp. Các bạn không thích giảng dạy thì mình chơi vận động thông qua trò chơi, thiết kế thử thách… hướng đến vấn đề môi trường”, bà Nhi cho biết.

Còn anh Hải góp ý: “Trước tiên các bạn trẻ có ý thức bảo vệ mảng xanh nơi mình sống và sau đó có thể nhân rộng mô mình cho mọi người xung quanh để cùng lan tỏa, tạo nhiều mảng xanh để phát triển bền vững sau này”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.