Mang việc làm về quê

14/03/2013 03:00 GMT+7

Sau thành công trên đường lập nghiệp, những người con xứ Quảng xa quê trở về mở nhà máy, xí nghiệp để giúp thanh niên quê mình có thêm việc làm. Đó cũng là cách tri ân với mảnh đất đã sinh ra họ.

Ở những vùng nông thôn xứ Quảng, sau tết nhiều thanh niên lại chật vật bắt xe vào nam làm ăn, trong số đó không ít người tìm đến các xưởng may mặc để mưu sinh. Từ khi doanh nghiệp dệt may về quê mở xưởng, các thanh niên này không còn phải vất vả vào nam, họ có thể đến những xưởng may gần nhà để làm việc với thu nhập hằng tháng không dưới 2,5 triệu đồng. Đó là khoản lương không nhỏ so với mảnh đất còn nhiều khó khăn như Quảng Nam.

 
Công nhân vùng nông thôn đã có cuộc sống ổn định hơn kể từ khi làm công nhân dệt may tại quê nhà - Ảnh: C.T.V

Trong số nhiều doanh nghiệp quyết định mở xí nghiệp tại đất Quảng Nam, Công ty TNHH dệt may thương mại Tấn Minh là công ty nhận được nhiều sự ủng hộ từ người lao động cũng như chính quyền các cấp tại quê nhà. Mới đây, công ty này vừa khánh thành thêm Xí nghiệp dệt may Ánh Sáng 4 tại thôn Viên Sơn, xã Duy Nghĩa, H.Duy Xuyên, có thể giải quyết khoảng 200 lao động tại địa phương, nâng tổng số xí nghiệp trực thuộc đóng tại Quảng Nam lên con số 5, đồng nghĩa với việc khoảng 1.000 lao động tại các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên có thêm việc làm.

“Chọn quê hương để đặt xí nghiệp là việc không phải doanh nghiệp nào cũng làm được nếu không có nhiệt huyết. Công ty Tấn Minh là một người con của Quảng Nam, đã về với quê hương và đầu tư tại quê hương bằng một mô hình rất đáng khích lệ, đó là chuyển dần cơ sở sản xuất về nông thôn”, ông Đinh Văn Thu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - nhận định.

Nhiều công nhân tại các xí nghiệp dệt may rất phấn khởi bởi từ khi được nhận vào làm, cuộc sống của họ đã ổn định hơn trước rất nhiều. Chị Lưu Thị Bé (42 tuổi, trú thị trấn Nam Phước, H.Duy Xuyên), công nhân tổ may Xí nghiệp Ánh Sáng 2, cho biết: “Tôi rất vui khi biết rằng những sản phẩm dệt may do mình làm ra vươn đến thị trường châu Mỹ, châu u… Không những vậy, làm trong xí nghiệp, tôi còn được tham gia nhiều loại bảo hiểm, điều mà khi chưa đi làm, tôi chưa bao giờ biết đến”.

Chị Nguyễn Thị Như (32 tuổi, trú xã Duy Thành, H.Duy Xuyên) cho biết thêm: “Trước khi làm nghề dệt, tôi đã thử nhiều nghề nhưng thu nhập bấp bênh, trang trải không đủ. Không ít lần tôi tính xa quê, vào nam làm ăn nhưng lại ngại xa nhà. Kể từ khi xí nghiệp may hoạt động, vừa được ở nhà để săn sóc gia đình vừa có thu nhập (cao nhất trên 4 triệu đồng/tháng), cuộc sống gia đình tôi đã khá hơn”.

Được biết, tại Quảng Nam hiện có gần 50 nhà máy công nghiệp dệt may, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động. Nhưng đa phần xí nghiệp bố trí ở các khu công nghiệp, vùng đô thị.

Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư về nông thôn

Ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết để thể hiện sự ủng hộ của tỉnh trong việc các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ ban hành cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp này. Bởi theo ông Thu, việc mở nhà máy, xí nghiệp tại nông thôn sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn.

Tỉnh Quảng Nam cũng như các địa phương sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp dệt may có điều kiện về quê giải quyết lao động, tạo thu nhập cho lao động nông nghiệp nông thôn.

Hoàng Sơn

>> Giúp lao động trẻ tìm việc
>> Thất nghiệp dài hạn gia tăng trong lao động trẻ
>> Cơ hội cho lao động trẻ ra nước ngoài

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.