Alô, anh chị sui đấy à?
Mọi lần họp lớp lúc nào mọi người cũng thấy Ngọc Lan tươi như hoa, nên gương mặt cau có của nàng hôm nay khiến ai nấy đều ngạc nhiên. Cánh chị em kéo Lan vào một góc hỏi thăm, nàng nhấm nhẳng: "Đang xì-trét đây! Đi ăn tối cùng khách hàng về muộn, thế là mẹ chồng làm ầm lên, lại dọa gọi điện cho bố mẹ đẻ để hỏi xem ông bà dạy dỗ con gái thế nào. Cứ có việc gì không vừa ý là bà lại đòi gọi điện cho bố mẹ mình! Đến khổ!".
"Thế ăn thua gì, mẹ chồng mới dọa chứ chưa làm. Nhà mình hồi xưa ấy à, mẹ chồng gọi điện mắng vốn bố mẹ mình bao nhiêu lần rồi ấy chứ" - Châu thốt lên.
Được lời như cởi tấm lòng, các cô gái tranh nhau kể lể những kinh nghiệm về chuyện "mắng vốn sui gia". Hóa ra dù sống rất xa nhau, nhưng nhờ chiếc điện thoại nên mối quan hệ giữa các bên sui gia vẫn rất gắn bó, và dù sống ở thành phố, nhưng không ít nhà vẫn giữ thói quen hễ có việc không hài lòng về con cái lại gọi điện "mắng vốn" bên kia, y như những sui gia ở chung một làng ngày xưa.
Cha mẹ đẻ của Ngọc Lan đã già yếu, lại ở tỉnh lẻ. Sợ cha mẹ lo lắng cho đứa con gái út lấy chồng xa, nên Ngọc Lan thường chỉ kể cho cha mẹ nghe những chuyện vui, giấu biệt những lần cãi cọ, xích mích bên gia đình chồng. Hiểu tâm lý con dâu, nên mẹ chồng những lúc muốn bảo ban cô thường "dọa" sẽ gọi điện mách "tội" cô cho cha mẹ đẻ biết, khiến Ngọc Lan sợ xanh mặt. Cô rối rít xin lỗi mẹ chồng nhưng trong bụng cứ ấm ức.
Linh thì nhớ mãi có lần vợ chồng xích mích dẫn tới to tiếng với nhau, cô dọa sẽ bỏ đi. Mẹ chồng tình cờ nghe được câu ấy, lập tức gọi điện thoại cho cha mẹ đẻ của cô. "Alô, anh chị sui đấy à? Không biết chúng nó có việc gì mà con Linh nó đòi bỏ nhà đi. Tôi báo cho anh chị biết để anh chị dạy cháu xem thế nào, chứ nhà này đã bước chân đi là không có quay lại đâu!". Cha mẹ Linh lo hết hồn, vội vã "xuống nước": "Dạ, chị cứ yên tâm để tôi bảo cháu, đây là trách nhiệm của chúng tôi", rồi tức tốc gọi điện hết lời khuyên nhủ con gái. Sự hốt hoảng của cha mẹ đẻ làm Linh đắng lòng, cô xuôi xị không làm căng với chồng nữa, mặc cho ông chồng được nước lên giọng: "Sao, nói bỏ đi rồi lại không dám đi chứ gì?".
Tác dụng ngược
Không phải "mắng vốn" lúc nào cũng có kết quả tốt, mà lắm khi lại gây tác dụng ngược, bởi không phải lúc nào người nói cũng khách quan và người nghe cũng giữ được bình tĩnh.
Trang là người rất thấm thía hậu quả của việc "nói qua nói lại" giữa hai bên gia đình. Tức tối vì ông chồng tối nào cũng đi nhậu đến lúc say khướt mới về, cô gọi điện kể lể với cha mẹ đẻ. Cha mẹ cô lập tức gọi điện cho sui gia nhờ "giáo dục" chàng rể, rồi đích thân gọi điện mắng mỏ chàng rể. Bị chạm tự ái, anh chồng càng uống nhiều hơn, về trễ hơn và thách thức: "Cô cứ gọi điện méc ba mẹ cô đi!", còn mẹ chồng thì mát mẻ: "Tôi thì làm gì giáo dục nổi con tôi chứ!".
Theo kinh nghiệm của Châu, chuyện mỗi nhà thì người trong nhà nên tự giải quyết với nhau, mọi sự mắng vốn giữa sui gia trong lúc bực tức, thiếu kiềm chế đều dễ dẫn đến những hậu quả khó lường, mà chuyện của cô là một ví dụ. Thông thường, cha mẹ đẻ vì thương con gái nên thường cố gắng đấu dịu, xuống nước trước những lời phàn nàn của bên gia đình nhà chồng. Cha mẹ Châu cũng thế, ông bà nhận hết lỗi về phần mình trong việc dạy bảo con gái, khiến cho bên gia đình chồng Châu lấy làm hài lòng. Thế nhưng có lần một người bà con sang chơi, nghe chuyện, bảo: "Người ta nói thế là hàm ý bảo nhà mình thiếu văn hóa, không biết dạy con mà anh chị cũng cứ vâng dạ để yên mãi thì họ càng coi thường con Châu đấy!". Thế là hai bên sui gia lời qua tiếng lại, rồi dẫn đến mâu thuẫn trầm trọng giữa hai gia đình, kết quả là vợ chồng Châu dẫn nhau ra tòa ly dị. Khi chuyện đã rồi, người trong cuộc mới giật mình hối hận, nhưng bát nước đã đổ đi làm sao lấy lại được!
Xuyên Vân
Bình luận (0)