Nhiều gia đình đang sở hữu hơn một thiết bị hỗ trợ WiFi, chẳng hạn laptop và một chiếc PDA, nên phát sinh nhu cầu lập hẳn một hot-spot trong nhà. Bởi thực tế đang ở trong nhà mà dùng laptop truy cập Internet có dây thì chẳng khác gì sử dụng máy tính để bàn.
Hiện nay, trên thị trường có hai lựa chọn phổ biến là sử dụng modem WiFi với người dùng vừa mới đăng ký sử dụng dịch vụ, hoặc đầu tư thêm một thiết bị phát sóng không dây gọi là Access Point Wireless cho chiếc modem ADSL có dây có sẵn. Một số công ty kinh doanh thiết bị máy tính và các nhà cung cấp dịch vụ ADSL đang duy trì lựa chọn modem WiFi nhãn hiệu TP-Link, Zyxel với chi phí 900.000-1.200.000 đồng. Phương án này tỏ ra vừa tiện lợi, kinh tế trong việc cài đặt thiết bị, vừa giúp thu gọn không gian sử dụng.
Tuy nhiên, nếu nhà bạn đang sử dụng modem có dây dự định chuyển sang WiFi, lại chọn phương án sắm thêm một modem tích hợp WiFi kiểu này là một sự đầu tư lãng phí. Mặt khác, người ta còn lo ngại thiết bị "tất cả trong một" này vì khi hỏng hóc thì có nguy cơ các chức năng mà nó đảm nhiệm như modem, router và bộ phát sóng WiFi cùng tê liệt luôn.
Với những gia đình đã có modem ADSL có dây loại nhiều cổng, việc sử dụng song song mạng có dây và không dây cũng thật dễ dàng. Với điều kiện modem này còn cổng chưa sử dụng, người dùng chỉ cần sắm thêm một bộ Access Point của Netgear, LinkSys, TP-Link… với giá 600.000-800.000đ là có thể lướt Internet không dây trong phạm vi cho phép (bán kính 100m). Thông thường người dùng nên chọn mua Access Point cùng hãng với modem để nhận được sự tương thích tối đa.
Access Point LinkSys WAG54G và Zyxel P320W, hai trong nhiều loại Access Point dùng phổ biến trong nhà ở VN |
Việc cài đặt cấu hình chỉ cần tránh xung đột địa chỉ IP giữa modem và Access Point cũng như lưu ý cài đặt chế độ bảo mật, thường chọn chế độ bảo mật WEP. Khi muốn chia sẻ WiFi với bạn bè, người thân chỉ cần chia sẻ mật khẩu này cho họ. Thông thường người ta đặt thiết bị ở tầng dưới và sóng sẽ phát dội lên các tầng trên. Chẳng hạn có thể đặt Access Point ở trần tầng một để các máy ở tầng hai và ba cũng truy cập được.
Những bức tường bêtông dày, khung rào sắt, thiết bị phát sóng viba, máy phát sóng vô tuyến khác cũng như sóng WiFi của nhà hàng xóm đều có thể là các tác nhân làm nhiễu sóng WiFi nhà bạn.
Đôi khi để phủ sóng lên toàn bộ các nhà cao tầng (lớn hơn bốn tầng), người dùng cần phải trang bị thêm Access Point khác có khả năng mở rộng trường sóng và trang bị ăngten có độ khuếch đại cao, cắm nối tiếp với chiếc Access Point hiện có. Bên cạnh những chiếc Access Point bình dân, người rủng rỉnh ngân sách có thể đầu tư những sản phẩm đắt tiền hơn. Các Access Point này có giá 1,5-3 triệu đồng của các hãng tên tuổi như TP-Link, LinkSys để có được sản phẩm tin cậy hơn, cường độ phủ sóng mạnh và thời gian bảo hành lâu hơn. Chẳng hạn, chiếc LinkSys WRT300N, giá 2,67 triệu đồng, được bảo hành tới ba năm trong khi các model giá rẻ khác thường chỉ được bảo hành một năm.
Những chiếc ăngten 2,4GHz có độ khuếch đại cao cũng góp phần làm mở rộng độ rộng và cường độ trường sóng. Có hai loại ăngten để trong nhà và ngoài trời. Loại trong nhà dao động 200.000 - 1,2 triệu đồng trong khi loại ngoài trời thường mắc hơn, giá khoảng 1,6 triệu đồng trở lên. Một số mẫu Access Point có sẵn jack để cắm thêm antenna mở rộng trong khi nhiều model buộc bạn phải gỡ antenna cũ để cắm mới.
Nếu bạn cũng muốn chiếc PC để bàn có thể nối mạng Internet không dây, bạn cần trang bị card WLAN qua khe PCI hoặc sử dụng loại USB không dây hiện đang được bán khá phổ biến trên thị trường từ các hãng thiết bị mạng tên tuổi... Chi phí đầu tư cho mỗi card mạng không dây này là 320.000-800.000 đồng tùy loại.
Theo Hải Thanh
Tuổi Trẻ
Bình luận (0)