Tay súng 18 tuổi người Đức gốc Iran được giới truyền thông nhận dạng là David Ali Sonboly, cũng đã sử dụng mạng xã hội để lên kế hoạch và tiến hành vụ xả súng ở Munich vào tối ngày 22.7, khiến 9 người chết và 16 người khác bị thương, theo AFP ngày 24.7.
Theo Bộ Nội vụ Đức, tay súng ở Munich này có thể đã trộm mật khẩu một tài khoản Facebook, đăng nhập vào rồi dụ dỗ một số nạn nhân đến cửa hàng thức ăn nhanh McDonald's tại trung tâm mua sắm Olympia rồi xả súng. “Tôi sẽ cho bạn bất kỳ thứ gì bạn muốn mà không phải mất nhiều tiền”, đó là lời mời của tay súng trên Facebook, truyền thông Đức cho hay.
Các trang mạng xã hội đã cung cấp nhiều nguồn tin quý giá và xúc tiến tình đoàn kết cho người dân Munich giữa lúc xảy ra vụ xả súng tối ngày 22.7.
Khi vụ xả súng xảy ra, cảnh sát Munich nhanh chóng lên mạng xã hội Twitter cố trấn an người dân, kịp thời thông tin diễn biến tình hình vụ xả súng. “Chúng tôi đang cố bắt giữ những kẻ tấn công càng sớm càng tốt”, cảnh sát Munich thông báo với người dân bằng ba thứ tiếng Đức, Anh và Pháp trên Twitter.
“Các nghi phạm bỏ chạy. Xin hãy tránh xa những nơi đông người. Một số thông tin chưa được xác thực cho thấy có thêm nhiều vụ bạo lực và có thể là xả súng ở trung tâm thành phố. Tình hình vẫn chưa rõ. Xin hãy tránh xa các khu vực tập trung đông người”, cảnh sát Munich tiếp tục thông tin cho người dân trên Twitter.
Báo động giả
Tuy nhiên, cư dân mạng bắt đầu phản ánh thông tin trên Twitter với “nhiều phiên bản” khác nhau cho cùng một vụ việc xả súng ở Munich. Điều này khiến cảnh sát đôi lúc phải đau đầu vì trong một số trường hợp không thể phân biệt nổi thông tin là thật hay giả.
Chẳng hạn, trong ngày xảy ra vụ xả súng ở Munich, có nhiều tin báo trên mạng xã hội về một vụ xả súng khác ở trung tâm thành phố, nhưng cuối cùng được xác định là thông tin giả.
Cảnh sát cũng đau đầu vì những tài khoản trên mạng xã hội tự nhận là nhân chứng vụ việc tung lên hàng loạt hình ảnh, video.
|
Cảnh sát lúc bấy giờ tình nghi có nhiều kẻ tấn công, chứ không chỉ một mình tên Sonboly, lo ngại những đoạn video cho thấy hoạt động của cảnh sát được đăng trên mạng xã hội sẽ giúp cho những nghi phạm dễ dàng trốn thoát hơn.
Cuối cùng, cảnh sát Munich phải khẩn cầu trên Twitter rằng: “Vui lòng đừng chụp ảnh hay quay video hoạt động của cảnh sát để không phải vô tình cung cấp thông tin hữu ích cho các nghi phạm trốn thoát”.
Trả lời phỏng vấn đài ZDF (Đức), ông Hubertus Andrae, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Đức cho hay khối lượng thông tin trên mạng xã hội cần phải xác thực là một thách thức lớn.
tin liên quan
Mỹ, châu Âu không thể ngăn chặn những kẻ tấn công bị bệnh tâm thầnCác vụ tấn công gần đây nhắm vào thường dân ở Mỹ và châu Âu cho thấy các cơ quan tình báo không thể phát hiện và ngăn chặn âm mưu của những kẻ tấn công kiểu “sói đơn độc” bị bệnh tâm thần.
Nhưng Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere thừa nhận không thể phủ nhận lợi ích của mạng xã hội trong công tác điều tra tội phạm. “Thời đại ngày nay, thời đại của mạng xã hội, không chỉ riêng cảnh sát có thể kiểm soát số lượng và thời điểm công bố thông tin, mà là tất cả mọi người. Nhưng trong nhiều cuộc điều tra, mạng xã hội đã giúp cảnh sát phá án nhờ vào những bức ảnh và video trên mạng xã hội”, ông Maiziere nhận định.
Chẳng hạn, ở Mỹ, cuộc điều tra vụ đánh bom Boston năm 2013 tiến triển nhanh chóng nhờ vào thông tin từ mạng xã hội.
Bình luận (0)