(TNO) Tuần qua, Rebecca Marino, tay vợt nữ 22 tuổi người Canada đã quyết định từ giã sự nghiệp. Cô không bị chấn thương nào hành hạ. Cô không có công việc nào tốt hơn để thay thế. Cô vẫn còn tình yêu với môn thể thao mình đã chọn từ nhỏ. Lý do cô quyết định treo vợt: trầm cảm.
>> Tuyển Tây Ban Nha bỏ lệnh cấm sử dụng mạng xã hội
>> Ronaldo được hâm mộ hơn Messi trên Facebook
>> Nhiều cầu thủ cũng bị giả mạo trên Facebook
|
Tay vợt có chiều cao 1,85m từng là một tài năng rất hứa hẹn. Với cú giao bóng uy lực thuộc hàng nhất làng quần vợt nữ, cú thuận tay rất tốt, Marino đã từng vươn đến vị trí thứ 38 thế giới vào giữa năm 2011, khi mới 20 tuổi. Venus Williams, 7 lần vô địch Grand Slam, từng nói sau một trận đấu với Marino: “Trận này, tôi như đấu với bản sao của mình”.
Nhưng tương phản với bề ngoài, Marino là một người rụt rè trong giao tiếp. Một tay vợt chuyên nghiệp phải tập trung luyện tập 120% khả năng mỗi ngày để bước lên những nấc thang trong sự nghiệp. Quần vợt ngày càng cạnh tranh khiến mỗi tay vợt gần như sống trong một thế giới cô lập. Những điều đó cộng lại càng khiến Marino cô đơn hơn.
Cô đã dùng đến các mạng xã hội như Twitter, Facebook để nói về những thứ mình thích như âm nhạc hay đội hockey quê nhà Vancouver Canucks. Các huấn luyện viên đã cảnh báo cô rằng cô có thể bị chỉ trích, miệt thị qua mạng xã hội. Nhưng họ cũng nghĩ biết đâu việc sử dụng mạng xã hội sẽ khiến cô cởi mở hơn với thế giới bên ngoài.
Các mạng xã hội có thể giúp các tay vợt ngày càng nổi tiếng, được biết đến nhiều hơn và nhờ vậy có nhiều hợp đồng quảng cáo hơn. Như trang Facebook của Roger Federer, Rafael Nadal đều có hơn 10 triệu người theo.
Nhưng nó không đúng trong trường hợp của Marino. Cô bị sa lầy với mạng xã hội. Cô bị khủng hoảng tinh thần vì những lời chỉ trích, chế giễu và thậm chí đe dọa qua internet, cụ thể là qua Twitter, Facebook.
Có người đã viết trên Twitter của cô: “Mày đã thả trận đấu đó, mày đã khiến tao mất rất nhiều tiền cá cược, mày chết đi”. Không ít lần, Marino gặp phải những lời khiếm nhã như “ả điếm”, “mafia”, “bán độ”... trên tài khoản mạng xã hội của mình.
Nếu như người khác có thể cười cợt, bỏ qua những chỉ trích, miệt thị thì trái tim mẫn cảm của Marino lại không. Những thứ rác rưởi đó theo cô vào các trận đấu, văng vẳng bên tai cô mỗi khi ở trên sân. Cô đã nói với các huấn luyện viên của mình, họ giúp cô tìm các liệu pháp chữa trị tâm lý. Nhưng vô hiệu.
|
Tháng 2.2012, Marino quyết định tạm thời gác vợt, không xác định ngày trở lại, không dùng các mạng xã hội nữa, rút lui về nhà để tinh thần ổn định. Cô chấp nhận bỏ lỡ 3 giải Grand Slam và cơ hội góp mặt tại Thế vận hội. Trong thời gian nghỉ, cô đã sống cuộc sống như một cô gái bình thường. Cô còn cầm lý lịch đi xin làm thu ngân ở một tiệm bánh, làm chạy bàn ở một tiệm ăn tại thành phố Vancouver. Biết cô là một tay vợt có tiếng, nghĩ cô bông đùa, những nơi này từ chối cô.
Tháng 9.2012, sau một thời gian nghỉ, Marino nhớ quần vợt, cô trở lại thi đấu ở các giải nhỏ. Nhờ luật bảo vệ thứ hạng bởi lý do chấn thương, Marino được vào thẳng chơi vòng đấu chính giải Úc mở rộng 2013, tại đây cô thua Peng Shuai ở vòng 1.
Marino cũng trở lại với Twitter và Facebook, tự dặn mình cố gắng không để những lời bình luận tiêu cực ảnh hưởng đến mình nữa. Nhưng những kẻ ác ý vẫn còn đó. Cô đóng cửa Twitter.
Giữa tháng 2, cô cũng chào các bạn trên Facebook, tạm biệt mạng xã hội này một thời gian. Và còn trả lời phỏng vấn trên tờ New York Times nữa: “Khi bạn bị bắt nạt, quấy rối, xỉ nhục qua mạng internet, tốt hơn là bạn hãy nói điều này ra với mọi người, đừng giữ lại trong tâm trí mình”.
Dù thế, Marino vẫn không vượt được qua chính mình. Một tuần sau bài phỏng vấn, Marino tuyên bố chấm dứt sự nghiệp. Marino từ giã quần vợt, chúng ta mất một tài năng thể thao. Nhưng cũng tốt cho cô về mặt con người. Cô giờ có thời gian đi chữa bệnh trầm cảm hàng ngày, vui những thú vui thường ngày như bao cô gái khác, và có thể xem xét lại các học bổng ở các trường đại học mà trước đây cô từ chối để đi theo quần vợt.
Như vậy với Marino còn hơn là cứ cố theo đuổi thể thao trong tình trạng trầm cảm để rồi có một kết cục giống như huấn luyện viên đội tuyển bóng đá xứ Wales Gary Speed hay thủ môn đội tuyển Đức Robert Enke, những người đã tự tìm đến cái chết để giải thoát.
Câu chuyện của Marino đưa đến cho chúng ta, những người sử dụng mạng xã hội, thông điệp: Hãy có trách nhiệm hơn khi sử dụng mạng xã hội.
Khúc Dương
Bình luận (0)