Mới đây, thêm một cơ sở kinh doanh trên đèo Hải Vân bị dừng hoạt động vì không phép. Năm ngoái, một khu du lịch tự phát dưới chân đèo cũng bị đình chỉ. Trong khi đó, mỗi ngày có hàng ngàn lượt người và phương tiện lên đèo, mà đến nay khu vực có di tích Hải Vân quan mệnh danh là "thiên hạ đệ nhất hùng quan" vẫn chưa có một cơ sở dịch vụ khang trang, tiện nghi... thì quả là đáng tiếc.
Không thể để tồn tại những cơ sở mọc chui, nhưng càng tiếc hơn khi một số đề án địa phương xin chủ trương, ý kiến các cơ quan chuyên môn để thống nhất triển khai thí điểm hoạt động du lịch tại khu vực đèo Hải Vân sau 2 năm đến nay vẫn chưa xong thủ tục. Vì vậy, bên cạnh xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, cần hoan nghênh và khuyến khích địa phương mạnh dạn trước những vấn đề mới.
Thực tế đã có nhiều mô hình thí điểm hiệu quả, đi trước chính sách. Như ở H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), nhiều hộ kết hợp phát triển kinh tế nông nghiệp và dịch vụ du lịch để cho ra đời các điểm check-in mới, các trang trại kiêm cắm trại, vui chơi, giải trí, dã ngoại. H.Hòa Vang đã nhận thấy nhu cầu thực tế nên sau đó cho thí điểm 15 mô hình du lịch nông thôn kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp. Nhiều mô hình còn giải quyết sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa người Cơ Tu.
Cũng như du lịch nông thôn Hòa Vang, tại đèo Hải Vân cần khẩn trương hoàn thiện công thức chung là cấp phép cho các mô hình thí điểm, công khai hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư. Như vậy, không chỉ địa phương nhanh chóng có thêm sản phẩm du lịch, mà còn khẳng định tính phụng sự của cơ quan công quyền, đúng như năm chủ đề 2024 của TP.Đà Nẵng: đẩy mạnh cải cách hành chính, khơi thông các nguồn lực đầu tư.
Bình luận (0)