Theo thông tấn xã Tass, nhóm thánh chiến Jabhat Fateh al-Sham ngày 21.12 đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov, diễn ra tại lễ khai mạc một buổi triển lãm ảnh ở thủ đô Ankara tối 19.12. Tuyên bố được đăng tải trên website của tờ báo al-Youm al-Sabea.
Jabhat Fateh al-Sham (Mặt trận chinh phục Syria) trước đây có tên là Mặt trận al-Nusra, từng là một chi nhánh của tổ chức al-Qaeda ở Syria. Đây là một trong nhiều nhóm thánh chiến hiện chiến đấu chống lại lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.
Vào tháng 7 năm nay, nhóm này quyết định đổi tên thành Jabhat Fateh al-Sham, đồng thời công khai tuyên bố cắt đứt quan hệ với al-Qaeda. Tuy nhiên, theo giới quan sát, quyết định đổi tên và ly khai khỏi al-Qaeda của nhóm này chỉ là một mưu chước để có thể thiết lập một liên minh rộng lớn hơn với các nhóm nổi dậy khác ở Syria. Trước đó, Mặt trận al-Nusra bị Mỹ liệt vào danh sách các nhóm khủng bố và bị loại ra khỏi tiến trình đàm phán hòa bình do Mỹ và Nga lĩnh xướng ở Geneva (Thụy Sĩ).
Hiện chưa thể kiểm chứng được tính xác thực của tuyên bố trên. Hai chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng chưa đưa ra bình luận về diễn biến này.
tin liên quan
Tay súng bắn chết Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ là ai?Kẻ bắn chết Đại sứ Nga là cảnh sát chống bạo động của Thổ Nhĩ Kỳ, đã làm việc được 2 năm rưỡi. Người này diện đồ vest láng mướt, đeo cà vạt lịch lãm, đứng ngay sau Đại sứ Nga trên bục cao.
Nghi vấn phong trào Gulen
Tuyên bố nhận trách nhiệm của Jabhat Fateh al-Sham được đưa ra giữa lúc giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ sống lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen đứng sau vụ ám sát. AFP ngày 21.12 đưa tin Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry và nói rằng chính phong trào Gulen mà Ankara gọi là Tổ chức khủng bố theo chủ nghĩa Gulen (FETO) là chủ mưu. Phong trào này vốn bị Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính hụt Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vào tháng 7.
“Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều biết rằng những người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen đứng sau vụ tấn công”, ông Cavusoglu khẳng định. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby ngay sau đó nhấn mạnh cần mở cuộc điều tra “trước khi chúng ta đưa ra kết luận”. Tương tự, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào liên quan đến kẻ đạo diễn vụ ám sát.
|
Trái ngược với tuyên bố của Jabhat Fateh al-Sham, ông Kani Torun, một nghị sĩ thuộc đảng Công lý và Phát triển (JDP) cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ nói với Đài truyền hình Al-Jazeera rằng không có bằng chứng cho thấy kẻ tấn công thuộc bất cứ tổ chức nào đang hoạt động tại Syria. “Theo kết quả điều tra sơ bộ, hắn ta (Altintas) chưa một lần đến Syria và cũng không liên lạc với bất cứ nhóm nào tại Syria. Do đó, thủ phạm khả dĩ duy nhất là FETO, một tổ chức có nhiều người hoạt động ngay trong lực lượng cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Torun nói.
Trong khi đó, một quan chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho hay: “Những người sống cùng hắn ta đã bị bắt vì liên quan đến FETO. Những người cùng tốt nghiệp học viện cảnh sát với hắn ta cũng nằm trong nhóm của FETO. Thông tin cho thấy những người giúp hắn ta vào học viện trên cũng là từ FETO”.
Theo Tổng thống Erdogan, Altintas là thành viên của đơn vị cảnh sát chống bạo động và đã phục vụ được 2 năm rưỡi. Điều bất ngờ là nghi can từng tham gia bảo vệ chính ông Erdogan 8 lần kể từ sau cuộc đảo chính ngày 15.7, theo báo Hurriyet. Trong 8 sự kiện có sự tham dự của tổng thống, Altintas thuộc nhóm bảo vệ vòng ngoài, chỉ sau đội cận vệ của ông Erdogan.
Cùng ngày, các nhà điều tra đã phát hiện nhiều cuốn sách liên quan đến phong trào Gulen và mạng lưới al-Qaeda trong lúc lục soát nhà riêng của Altintas tại quận Kecioren ở Ankara, theo hãng tin Anadolu. Cũng theo giới chức điều tra, nghi phạm 22 tuổi đã chuẩn bị cho việc tấn công tại một khách sạn ở khu trung tâm Ankara. Đây là khu vực có nhiều đại sứ quán cũng như tòa nhà quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Cụ thể, Altintas ngày 14.12 đã gọi đến một khách sạn để đặt phòng. Ngày 19.12, nghi phạm đến lấy phòng và không lâu sau thì rời khách sạn đến phòng triển lãm. Tại đây, hắn ta đã sử dụng phù hiệu cảnh sát để tiến vào phòng và ra tay sát hại Đại sứ Karlov.
Cuộc điều tra cũng hé lộ nhiều tình tiết cho thấy nghi can Altintas có thể dính líu tới cuộc đảo chính. Theo Reuters dẫn lời một quan chức an ninh, Altintas từng xin nghỉ phép trong khoảng thời gian từ ngày 15 - 17.7, thời điểm xảy ra cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cho rằng điều này cho thấy hắn đã nắm trước thông tin về vụ việc.
tin liên quan
Tay súng bắn chết Đại sứ Nga bị nghi liên quan đến giáo sĩ GulenGiới chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cuộc điều tra vụ ám sát Đại sứ Nga đang tập trung theo hướng làm rõ mối quan hệ giữa tay súng với tổ chức của giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen đang ở Mỹ.
“Nhà nước song song”
Ngay sau cáo buộc của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đại diện của giáo sĩ Gulen là Alp Aslandogan đã lên tiếng bác bỏ, theo Reuters. Ông Aslandogan nói rằng những cáo buộc của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ thật là “nực cười” và chỉ để che giấu lỗ hổng về an ninh của nước này. “Bản thân ông Gulen lên án mạnh mẽ hành động tàn độc trên”, ông Aslandogan khẳng định.
Phong trào Gulen hay còn gọi phong trào tôn giáo, xã hội và dân tộc Hizmet quy tụ những người ủng hộ ông Gulen, giáo sĩ sống lưu vong tại bang Pennsylvania của Mỹ từ năm 1999. Phong trào này hiện được cho là kiểm soát một mạng lưới nhiều trường học, công ty và các tổ chức từ thiện tại Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nơi trên thế giới. Những người theo phong trào Gulen được cho là lên đến hàng triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có nhiều quan chức cấp cao được ẩn mình trong các cơ quan chính phủ và lực lượng cảnh sát, quân đội, hệ thống tư pháp.
Chính vì vậy, giáo sĩ Gulen bị Ankara cáo buộc điều hành một “nhà nước song song” ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau vụ đảo chính hụt, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục yêu cầu Mỹ dẫn độ ông Gulen. Thế nhưng, Washington đã từ chối vì cho rằng Ankara chưa cung cấp đủ bằng chứng để buộc tội giáo sĩ 75 tuổi.
Bình luận (0)