Bộ Thống nhất và Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) ngày 21.7 cho biết Đài tiếng nói Triều Tiên thời gian gần đây liên tục phát sóng các chuỗi số khó hiểu. Theo giới chức Hàn Quốc, nhiều khả năng Bình Nhưỡng đang khôi phục phương pháp gửi mật lệnh thông qua tin nhắn mã hóa cho gián điệp “nằm vùng”, một kiểu truyền tin phổ biến thời Chiến tranh lạnh.
Kích hoạt điệp viên chìm
Hãng Yonhap dẫn nguồn từ hai cơ quan trên của Hàn Quốc cho hay một nữ phát thanh viên tại Đài tiếng nói Triều Tiên đã đọc các dãy số lạ trong suốt 2 phút ngày 24.6 và hành động này được lặp lại kéo dài 14 phút vào ngày 15.7. Những thông báo đó là “số 35 trang 459”, “số 55 trang 913”, “số 86 trang 135”, “số 2 trang 257”..., theo giới chức Hàn Quốc. Phát thanh viên Triều Tiên còn nói rõ là “xem lại bài tập vật lý và toán học của chương trình đào tạo đại học từ xa dành cho đoàn viễn chinh số 27”, Hãng Yonhap đưa tin.
Theo lời kể của một số điệp viên Triều Tiên bị bắt, Bình Nhưỡng trong thời Chiến tranh lạnh thường gửi các dãy số tương tự như vậy thông qua đài phát thanh sóng ngắn để giao nhiệm vụ cho những điệp viên được đưa tới Hàn Quốc. Điệp viên chìm chỉ việc mở radio vào thời điểm cụ thể nào đó và chuyển những con số nhận được thành chữ thông qua bộ mã hóa họ mang theo, Hãng Yonhap cho hay. Thông thường, cả người truyền tin lẫn điệp viên sẽ có bản sao của một cuốn sách giống nhau để giải mã số. Đó là lý do tại sao phát thanh viên Triều Tiên đề cập đến các bài tập toán và vật lý cho “đơn vị viễn chinh”.
“Đây là cách truyền tin cổ song an toàn nhất vì không để lại dấu vết”, một cựu điệp viên Triều Tiên tên Yeom từng tiết lộ với Reuters. Thế nhưng sau này, Bình Nhưỡng được cho đã ngưng dùng cách liên lạc trên nhờ mạng internet ngày càng phổ biến. Họ có thể tận dụng internet để gửi mật lệnh cho điệp viên, vốn tiện lợi và an toàn hơn.
Bên cạnh đó, mối quan hệ căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc phần nào hạ nhiệt theo sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử năm 2000 cũng khiến Bình Nhưỡng thôi dùng tin mã hóa.
|
Seoul báo động
Việc Bình Nhưỡng khôi phục cách truyền mật lệnh mã hóa thời chiến khiến giới chức Seoul hết sức lo ngại. “Tình báo Hàn Quốc đang nỗ lực lý giải nguyên nhân đằng sau việc Bình Nhưỡng khôi phục phương cách liên lạc đã ngưng dùng cách đây 16 năm, đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số khi có thể gửi chỉ thị thông qua internet”, tờ Korea JoongAng Daily của Hàn Quốc viết. Cũng theo tờ này: “Động thái của Triều Tiên đã đặt chính phủ (Hàn Quốc) vào tình trạng báo động cao về nguy cơ xảy ra cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở ở Hàn Quốc do điệp viên được Bình Nhưỡng phái sang tiến hành”.
Theo Đài CNN dẫn nguồn từ NIS, Bình Nhưỡng cũng từng kêu gọi mở các cuộc tấn công kiểu khủng bố nhằm vào hàng loạt mục tiêu tại nước láng giềng, bao gồm trung tâm mua sắm, tàu điện ngầm và nhà máy điện.
BBC đưa tin giới chức Hàn Quốc cũng đã lên tiếng chỉ trích Triều Tiên về việc phát dãy số bí ẩn trên. Phát ngôn viên Jeong Joon-hee của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói rằng dù chưa hiểu ẩn ý từ hành động mới của Bình Nhưỡng song nước này đã hối thúc Bình Nhưỡng “ngưng dùng các biện pháp lạc hậu như vậy và nên hành động theo cách thức giúp cải thiện quan hệ Nam - Bắc”.
Động thái phát tin bí ẩn trên xảy ra trong bối cảnh Triều Tiên giận dữ dọa đáp trả việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD đến Hàn Quốc, đồng thời bắn 3 tên lửa đạn đạo ra biển vào ngày 19.7, làm gia tăng lo ngại về một cuộc tấn công đang được lên kế hoạch.
Cuộc chiến tranh tâm lý?
Các chuyên gia ở Seoul cho rằng việc phát các tin nhắn mã hóa kể trên có thể là một nỗ lực của Triều Tiên nhằm tiến hành chiến tranh tâm lý. Giám đốc Yoo Dongryul của Viện Dân chủ tự do Hàn Quốc nói rằng Bình Nhưỡng có thể đang cố gắng đánh lừa giới chức tình báo Hàn Quốc rằng họ đang tăng cường hoạt động gián điệp. Theo ông Yoo Dongryul, Triều Tiên khó mà phụ thuộc vào việc phát tin nhắn mã hóa “cổ lỗ sĩ” như vậy vì giới chức tình báo Hàn Quốc cũng hiểu rõ phương cách này. Ông Yoo còn nói rằng Triều Tiên hiện sử dụng một phương pháp truyền tin tinh vi và phức tạp hơn được gọi là kỹ thuật giấu thư (steganography), với mật lệnh được giấu trong các tập tin âm thanh và video.
Cũng chung nhận định, Giáo sư Remco E Breuker, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Leiden (Hà Lan), nói rằng các bản tin bí ẩn chỉ nhằm hù dọa dư luận, giống như một số tên lửa được trưng ra tại các cuộc diễu binh của Bình Nhưỡng.
|
Bình luận (0)