Mất ngủ vì giá lúa

12/03/2014 10:05 GMT+7

Đang vào thời điểm thu hoạch rộ lúa đông xuân nhưng giá lúa liên tục giảm lại khó tiêu thụ nên nông dân ĐBSCL như ngồi trên lửa.

Mất ngủ vì giá lúa

Giá lúa ở xã Vĩnh Thạnh (H.Lấp Vò) đang giảm mạnh - Ảnh: An Lạc

Giá giảm liên tục

Đồng Tháp là một trong những địa phương đang vào cao điểm thu hoạch lúa đông xuân với năng suất bình quân 7 tấn/ha, có nơi đạt 8 - 9 tấn/ha. Thế nhưng nông dân không vui bởi giá lúa xuống thấp quá. Ông Nguyễn Văn Vinh (ở xã Vĩnh Thạnh, H.Lấp Vò) lo lắng: “Tuần đầu tháng 3.2014, giá lúa tươi loại thường khoảng 4.800 đồng/kg, tuy không cao nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận từ 2 - 3 triệu đồng/công. Nhưng vài ngày nay, không hiểu sao giá lúa cứ liên tục giảm làm nông dân mất ăn mất ngủ”. Vụ này ông Vinh canh tác 12 công lúa, thu hoạch được khoảng 9 tấn nhưng đang chất ở bờ kênh vì giá thấp chưa bán được.

Ông Nguyễn Hữu Định, canh tác 17 công lúa ở xã Nguyễn Văn Thảnh (H.Bình Tân, Vĩnh Long), cho hay cách đây khoảng 2 tuần thương lái tìm tới đặt cọc mua toàn bộ lúa với giá 4.750 đồng/kg. Vậy mà đến ngày thu hoạch thì giá lúa giảm mạnh nên thương lái đề nghị “bớt”, nếu không sẽ bỏ cọc. Thấy tình hình nguy cấp, ông buộc lòng phải bớt để họ chịu lấy lúa. Theo ông Lê Văn Thuận, Chủ tịch UBND H.Bình Tân, hiện thời nông dân trong huyện đang thu hoạch rộ lúa đông xuân, đây là vụ mùa chủ lực trong năm nhưng giá giảm mạnh và khó bán khiến đời sống nông dân gặp khó khăn.

Ông Huỳnh Phú Lộc, thương lái ở xã Vĩnh Thới (H.Lai Vung, Đồng Tháp), cho biết chỉ khoảng một tuần nay mà giá gạo hạt tròn giảm 700 đồng/kg, gạo hạt dài giảm tới 1.000 đồng/kg nên hầu hết thương lái đều lỗ nặng. Trung bình 1 ghe 30 tấn nếu mua theo hợp đồng đặt cọc sẽ lỗ 10 triệu đồng, còn bỏ cọc thì lỗ khoảng 5 triệu đồng; vì thế hàng loạt thương lái tìm cách bỏ tiền cọc để “cắt lỗ”.

Gấp rút tìm đầu ra

Ông Ba Thanh, thương lái ở xã Mỹ Thuận (H.Bình Tân), cho biết đang “ôm” gần 200 tấn lúa đã mua với giá 4.800 đồng/kg (lúa tươi loại thường) bây giờ không thể bán ra, mặc dù đang lỗ hơn 500 đồng/kg. Giải pháp chữa cháy là mướn sân phơi khô, sau đó trữ lại để chờ giá. Cách làm này là bất khả kháng bởi tốn thêm nhiều chi phí và không còn vốn để quay vòng. Ông Lê Văn Đời, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, trăn trở: “Hơn 77.000 ha lúa đông xuân của tỉnh đã thu hoạch được 1/3, song giá lúa giảm và khó bán sẽ làm người dân gặp khó vì thiếu vốn để tái đầu tư”.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), trong tháng 3 và tháng 4.2014, nhiều nơi ở ĐBSCL sẽ thu hoạch rộ lúa đông xuân. Tập quán của người dân lâu nay là thu hoạch xong sẽ bán tại ruộng, thế nhưng việc tiêu thụ chậm như hiện nay sẽ khó tránh khỏi tình trạng ùn ứ lúa hàng hóa.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng nguyên nhân dẫn đến giá lúa gạo đồng loạt giảm mạnh là do tình hình xuất khẩu từ đầu năm đến nay khó khăn và gạo Việt Nam đang rất bất lợi. Việc bất ổn chính trị ở Thái Lan đã ảnh hưởng lớn đến thị trường gạo thế giới mà hệ lụy là giá gạo giảm. Hiện Thái Lan đang chào bán gạo dự trữ ra thị trường với giá thấp (gạo 5% tấm dưới 400 USD/tấn) để lấy tiền trả nợ nông dân, đã gây bất lợi cho gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Song song đó, những khách hàng truyền thống của Việt Nam như Malaysia, Philippines… vẫn chưa đặt vấn đề mua gạo; chỉ có thị trường Trung Quốc ăn hàng nhưng số lượng giao chưa nhiều do một số điều kiện khách quan. Nguồn cung lúa gạo trong nước đang dồi dào nhưng nhu cầu trên thế giới thấp cũng là nguyên nhân làm cho giá giảm. Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cần phải nhanh chóng triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, cộng với tìm hướng xuất sang thị trường Trung Quốc thì mới giải quyết được vấn đề. “Trong bối cảnh gạo thế giới đang thừa, cần phải xem xét nâng thời gian tạm trữ từ 3 tháng như lâu nay lên 5 tháng để doanh nghiệp an tâm tham gia”, ông Phong đề xuất.

An Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.