Bầy trai trẻ dưới trướng đồng tình:
- Ông nói bọn tui nghe được à, thợ như thầy trò mình là ung dung, như bây giờ thầu đưa ông lên cai ông làm không?
- Mày bị điếc hay sao mà không nghe tao nói, tao đâu muốn bị chửi mậy.
- Xin lỗi, tui quên.
Ủa, chớ sao mà bị chửi? Không chạy việc phải không? Làm thằng cai có chi đâu khó, buổi sáng nhận việc từ thầu, rồi phân bổ việc cho anh em. Dân cốp - pha thì dựng cột, ráp đà, đổ bê tông. Thợ hồ cầm cái bay lôi cái máng, xong rồi ta chỉ việc chắp tay sau đít đi chơi. Thằng nào lơ mơ thì mắng mỏ, bức tường nào xây lượn như con rắn thì ta chỉnh đốn. Vậy thôi. Nhiêu đó mà làm không xong thì bị chửi là phải quá. Mà nhiêu đó không được thì cai cung cái khỉ mẹ gì. Đúng không?
Đúng, đúng. Quá xá đúng. Cai đâu có bị chửi vì ba cái thuộc về chuyên môn. Thầu chửi cai là vì chuyện khác. Chuyện khác đó chỉ có trong lĩnh vực xây dựng ở những khu công nghiệp mà thôi. Đó là chuyện ăn cắp. Ba cái vụ ăn cắp vật tư trong công trình, Năm Đà rành sáu câu. Phép thuật và ba đầu sáu tay cỡ Na Tra cũng bó tay chịu sầu huống chi ba ông cai một đầu hai mắt hai tai. Thiệt đó. Cứ vô làm cu ly trong công trình vài bữa là thần tiên cũng hóa sa tăng trong tức khắc. Ăn cắp dễ lắm, dễ ợt hà.
Đàn bà với công việc phụ hồ có kiểu chôm chỉa riêng. Sắt với đủ loại phi, sau khi cưa ra còn dư lại từ mười đến hai mươi phân sẽ được các bà - không có các cô - vì các cô chưa chồng ai lại đi cắp sắt phế liệu, giấu vào một chỗ chỉ mình mình biết, đến chiều khi mọi việc đã xong, sẽ nhét vô…bụng. Vâng, họ ràng ở vòng bụng một đường dây thun ruột xe đạp, và sắt sẽ được nhét dày đặc vào cái ràng đó. Mỗi vòng ràng xêm xêm năm ký lô, nó đủ cơm ăn trong ngày cho một cặp vợ chồng. Một phụ hồ thường cặp kè chung với một thợ, hoặc là chồng, hoặc bồ bịch yêu đương. Gã thợ chiều về vác cây thước trên vai, tưởng rỗng, ai ngờ bên trong là hai cây sắt dài mét tám phi 18. Chừng đó là cả hai ung dung sống, tiền công ngày coi như dư. Khỏe ru.
Minh họa: Tuấn Anh |
Nói nghe sao khó tin quá, như sắt vụn nhét vô lưng quần thả áo xuống còn qua mắt được, ở đây hai cây dài mét tám trong cây thước đui mù còn thấy nói chi sáng mắt. Vâng, chính thế, nhưng quý ngài đâu có ngu mà vác khơi khơi ra công trình. Công trình nào chả có tường rào dã chiến vây quanh, chiều anh ung dung ra cổng, em đẩy thước ra rào. Vậy là êm. Nhỡ có gặp bảo vệ thì ta năn nỉ, bảo vệ nào khó dễ là có màn gây hấn bên ngoài khu công nghiệp. Anh làm thuê cho công ty, tôi cũng thuê mướn kiếm sống qua ngày, tôi chôm chỉa của chủ chứ đâu phải của anh, anh bắt tôi, thì bây giờ đù má chết mẹ mày a con. Đã từng có vài tay bảo vệ bị dân bốn phương, năm mươi lăm tỉnh thành hội tụ thoi cho thừa sống thiếu chết. Bảo vệ vậy, cai nếu biết dám tra đến chốn không? Nên chi, mặc kệ, ai mất ráng chịu.
Vậy cũng đâu có trách được cai. Suy cho cùng ba cái vụn vặt không nghĩa địa gì. Thầu khoán nhận công trình đôi ba mươi tỉ bạc. Lãi ròng tỉ nọ tỉ kia, thằng cu li giẫm nắng phơi gió, biết rành rẽ lâu lâu xe tải vào mua vụn vằn hàng mươi tấn. Tiền ấy anh dùng để giao lưu với đối tác ở mấy quán karaoke cao cấp. Chửi mắng cai chẳng qua chiếu lệ thôi. Anh chủ xị bỏ tiền ra trả công, ai lơ mơ là anh tống khứ, đâu có tiền trả cho đồ ăn hại. Đúng không?
Nè đừng có nói vậy, làm thầu công trình tuy cầm bạc tỉ trong tay, nhưng mà có nghe câu thuyền to thì sóng to không? Chuyện thua lỗ là thường ngày ở huyện. Đồng ý ăn cắp là điều không thể tránh, nhưng phế liệu ai truy cứu làm chi, còn ở đâu ra sắt cây để anh mang đi bán? Ăn cắp kiểu đó thầu phải bỏ tiền nhà để bù, mướn cai trông coi mà thất thoát không mắng thì để thờ à? Nhưng mà sắt cây chỉ là chuyện nhỏ. Cái lớn là chốt thép kìa.
Chốt thép là cái chi chi? À, cái này là thép hẳn hoi à nghen. Nếu sắt một thì giá của thép gấp ba lần. Những công trình xây dựng có tuổi thọ cao hàng trăm năm, người ta dựng cột bê tông cốt thép cả sáu mươi vuông. Những cây cột ấy đâu thể ghép ván mà đổ bê tông được. Người ta phải ghép cốp pha bằng thép. Những hộp thép chiều ngang sáu mươi phân, dài một mét, được liên hoàn lại bằng những cái chốt thép. Dân thợ và phụ hồ ăn cắp chốt, cứ hai mươi lăm cái là một ký, vừa nhẹ vừa tiền nhiều nên chốt thép tha hồ ra vựa ve chai. Một hai kẻ cá biệt không nói làm chi, ở đây tay nào cũng thó, tỉ phú đô la còn chịu không nổi nói chi ba ông thầu… À mà quên, nói ai cũng thó là oan cho Năm Đà. Ổng là không bao giờ dính dấp cái ba lăng nhăng. Năm Đà buồn cười lắm, luôn nói ra đời hai tay trắng, lìa đời trắng hai tay… gom cho cố vô rồi ba bữa chết mà mang theo. Năm ngon lắm đó, toàn bộ anh em thợ dưới trướng cai Ba Lân đều là đệ tử của Năm. Chủ trương của Năm là không làm chủ, hoặc cai cung chi cho rách việc. Làm mướn ngon đệ nhứt. Thứ hai làm thứ bảy thu hoạch. Xong.
Nhiều tay thầu công trình lớn nhờ Năm Đà giúp việc cho mình, nhưng Năm lắc đầu:
- Cỡ thằng Ba Lân còn kham không nổi vụ ăn cắp, tao xin chào thua.
Vậy mà Năm Đà lại chấp thuận trở thành cai cho thầu Sơn.
***
Phải “cốp pha” nói với Đạt “hồ”… Mà khoan, cũng cần giới thiệu sơ về hai thằng này một chút. Phải dân Tiền Giang, Đạt dân Cà Mau lên, gặp nhau ở Xa cảng miền Tây. Hai bên kết tình huynh đệ cùng ghé vô mấy khu công nghiệp đang xây dựng kiếm cái thoát nghèo. Ghé Sóng Thần được một tháng, Bình Dương gần tháng. Cuối cùng tụ nhau dưới trướng Năm Đà:
- Không biết xây tô, không biết cốp pha thì phụ. Vậy thôi.
Hai thằng tuy dốt đặc từ chữ nghĩa đến nghề nghiệp, nhưng được cái vai u thịt bắp. Quan trọng nhất là siêng. Năm Đà huấn luyện hai tháng là ăn lương thợ. Phôn hai cú về hai xứ là bà con anh em kéo lên thiếu điều chật cả công trình. Thấy vậy cai Ba Lân cho Phải chỉ huy dàn cốp pha, Đạt lên trùm xây tô. Cả hai có thêm tiền trách nhiệm cũng tàm tạm, nhưng ăn cắp vật tư dạng đất lở trời thần. Ba Lân biết nhưng nhắm mắt làm ngơ, nói ra sợ anh em nó nghỉ ngang, đi công trình khác là tiêu tùng cả tơi lẫn nón. Phải và Đạt chỉ sợ duy nhất sư phụ Năm Đà, nhưng Năm không đụng chạm tới ai. Quan điểm là mackeno.
- Ổng đang ráp cốp pha với tao - Phải nói - thì thầu Sơn tới gật đầu chào.
- Ông Sơn nói gì mà lôi ổng đi?
- Ông Sơn hỏi dạ có phải chú là thầy…
Đạt cướp lời:
- Thầy? Thầy gì?
- Mày im cái miệng cho tao nhờ. Tao đang kể biết hông ông cố nội? Ông Sơn hỏi có phải chú là thầy Đà dạy Anh văn ở X. không?
- Bà mẹ ơi. Ổng nói sao?
- Ổng trả lời phải.
- Rồi sao?
- Thì ông Sơn bá vai dẫn ổng đi có vẻ thân tình lắm.
- Vậy ra trước đây ổng là giáo viên?
- Chắc luôn. Để lát nữa tao hỏi ổng coi, té ra có nhơn tài nằm trong lá ủ há?
Cả hai đăm chiêu gần hết buổi. Lúc Năm Đà rời căng tin của công trình là tới giờ cơm trưa. Phải hỏi:
- Bộ hồi trước chú là giáo viên hả?
- Ừ.
- Chú dạy cấp mấy?
- Cấp hai.
- Môn Anh văn hả?
- Ừ.
- Thầu Sơn trước là học trò chú hả?
- Ừ.
- Ấy da… Kỳ cục lịch sử nha. Thầy trò lâu không gặp chắc nhiều tâm sự lắm há?
- Cũng không có gì.
Rồi mọi chuyện cũng ngã ngũ. Cai Ba Lân tuyên bố với anh em:
- Ê, nghe nè. Chiều nay tao qua bên công trình Hưng Nghiệp, bên này thầu Sơn giao lại cho chú Năm Đà, tụi bây muốn gì cứ hỏi ổng.
Lính của Phải và Đạt khoái chí vỗ tay reo hò. Ổng mà coi cai chắc phẻ re cái vụ chôm chỉa. Đó là chiều thứ bảy. Trước khi đi Ba Lân giao sổ chấm công cho Năm Đà. Thanh toán tiền, Đà nói với quý cô bác:
- Mai chủ nhật nghỉ. Thứ hai vẫn tiếp tục. Tao chỉ huy thay Ba Lân. Thằng nào chôm chỉa bất kỳ cái gì tao bắt được thì đừng trách đó nghe.
Có thằng hỏi xách mé:
- Trách là trách làm sao hả chú?
- Nghe đây, thằng Sơn trước đây là học trò tao. Vì lý do mất vật tư và công trình có khả năng bị trễ thời gian nghiệm thu, nên nó nhờ tao giúp, tao nói vậy mong bây hiểu giùm một chút. Trước đây bây muốn làm gì thì làm, nay vuốt mặt phải nể mũi à.
Bọn trẻ tuy có nể chút chút, nhưng đứa nào cũng nghĩ, cha Năm cũng như Ba Lân thôi, ăn thua khỉ gì. Nhưng bao nhiêu ngón chôm Năm ta rành lắm nên em nào cũng bị dính chấu. Năm Đà cười cười:
- Lần đầu tao tha nghe, lần sau thì đừng trách.
Vẫn có lần kế. Năm Đà kêu Phải và Đạt đến:
- Nè, Phải, thằng em mày chôm chốt thép cốp pha, hai túi quần nó năm chục cái là hai ký, trong gà mên cơm một trăm cái nữa, mày tính sao?
- ...
- Còn thằng Đạt. Em mày và vợ mày ăn cắp sắt, mày muốn làm với tao không? Nếu không mai nghỉ đi, cho bầy anh em bà con mày nghỉ luôn.
Hết hồn vía, cả hai lủi thủi về. Nhưng mà, cha Năm này khó chơi quá, tình thiệt mà nói tất cả những công trình đang xây dựng trong khu công nghiệp, đứa nào không kiếm thêm để cải thiện đời sống là đại ngu. Bà mẹ nó… nghĩ đi nghĩ lại thằng Phải rủ anh em nó bỏ đi công trình khác làm ăn. Vụ này kể cũng lớn chớ không phải chơi. Không có thợ làm, thi công trễ là bồi thường, thầu chết ngay tức khắc. Năm Đà phải đôn quân từ phụ cho cầm bay lên thợ, lại tăng ca đêm để kịp tiến độ. May là Ba Đạt không nư, nó và anh em đòi đi dám chừng Năm Đà xuống nước cho ăn cắp thả dàn luôn quá.
Hú hồn, nửa tháng sau Phải mò về xin Năm cho đầu quân làm lại. Hỏi mới biết, bên công trình mới, thằng cai ăn cắp cả xe tải sắt cây. Nó ăn gian bằng cách cứ phi hai mươi hô biến còn mười tám, mười tám còn mười sáu. Đủ tải nó bán một lần, chẳng may bị bể ổ công an đánh một phát chết giấc. Năm Đà cười:
- Tao nói đi đêm ắt phải gặp ma, mày cứ vậy có ngày cũng chết vì nhục. Ra đời hai tay trắng, lìa đời trắng hai tay mày ơi, gom, nhưng mà đừng có gom của thiên hạ. Kêu anh em mày vô đây. Làm là phải đàng goàng à. Cà chớn là không xong với chú mày đâu.
Vậy là dưới sự chỉ huy của Năm Đà, công trình xong trước kế hoạch. Và như vậy lời chẳng ai biết bao nhiêu, nhưng thầu khoán được thưởng cả tỉ bạc.
***
Tất nhiên rồi, công cán là một chuyện, cái thưởng cho anh em thợ chả thầu nào hẹp bụng. Phải và cả thằng Đạt sáng mắt lên khi thầu biếu không mỗi đứa chục triệu bạc. Bỏ ra một nửa cho anh em chầu nhậu còn lại cái túi mới ấm làm sao. Năm Đà cười:
- Hai thằng bây thấy chưa? Đòi bỏ đi nữa thôi?
Để cảm tạ ơn thầy, trò Sơn biếu thầy cái phong bao dày cộp. Năm xé phong bao đếm chẵn chòi hai mươi triệu. Lấy một triệu, còn trả lại trước con mắt bá quan:
- Thầy cứ cầm - thầu Sơn lễ phép - em biếu thầy.
- Không tao lấy nhiêu đây thôi, cái gì không đáng là không hưởng.
Phải cốp pha lên tiếng:
- Sao kỳ vậy thầy Năm? Bộ ông chê ít hả?
- Kệ tao đi.
Sơn và anh em trong ê kíp khẩn khoản mời Năm Đà đi quán làm thùng bia cho vui. Ờ, vậy thì được. Thợ hồ thằng nào không rượu sớm trà khuya. Dân miền Tây ghé miền Đông là Đông không dám so cao thấp cái vụ tửu lượng với Tây. Cả hai chục thằng vai u thịt bắp mồ hôi dầu cùng vào Thắng Lợi Quán. Ông trời ơi, ngó xuống mà coi dân miền Tây uống bia, dân tình gì lạ thiệt, không có cái toilet nào chịu nổi cho hai chục mạng liên tục đứng lên ngồi xuống. Chỉ có khô bò với đậu phộng da cá mà hết hai triệu bạc, còn bia mỗi thằng chục lon Ken chớ mấy. Đến đây là cả chủ lẫn tớ đều ngà ngà, thiệt ra Năm ta không bia rượu, lâu lâu mới tí chút thành ra nhanh tới bến. Năm Đà nói:
- Lúc đó con người mình hèn hạ lắm, giấc mơ lớn nhất không qua một bữa cơm trắng có hột vịt chiên. Nhưng mà, gì thì gì, tao vẫn trụ qua thì gian khó đó, với tao, đói no đã tường nên gian cái của người là không có tên tao.
- Sao chú nghỉ dạy học?
- Thời mở cửa nhờ có tí tiếng Anh, có mấy người quen nhờ kèm cặp, sẵn trớn tao xin dạy hợp đồng, sau này đầy đủ giáo viên thì tao phải rút thôi.
Sau chầu bia bọt, thầu Sơn cho anh em xả láng tăng hai ở karaoke máy lạnh. Mười một giờ đêm ai về nhà nấy chỉ còn lại Năm Đà, Phải, Đạt và Sơn. Sơn gợi ý:
- Bây giờ mình đi mát xa cho thoải mái há?
- Thôi tao về - Năm Đà nói - Bà xã trông. Với lại mát xa là cái khỉ gì?
- Là tẩm quất cho thư giãn vậy thôi.
- Chỉ vậy thôi?
- Dạ.
Bộ tứ lên xe kéo đến mát xa Nga Kiều Lục.
***
Chắc chắn là cả một đời Năm Đà chỉ biết xa xiếc qua lời kể. Dân đói rách coi đồng bạc bằng bánh xe, thuốc không dám hút rượu không dám uống, bỏ ra hai trăm nghìn mua một vé mát xa họa có điên. Mà mát xa là sao vậy ta? Đà tự hỏi như vậy. Kệ, không phải tiền mình, thử một lần xem sao. Có tí men con người ta dễ liều lĩnh lắm.
Gã bồi dẫn bộ tứ đi qua một hành lang hun hút, đèn xanh đỏ vàng chớp chớp nhá nhá có vẻ liêu trai chí dị. Dừng trước cửa một căn phòng, hắn đưa cho mỗi người một khăn choàng và một cái xì po còn nguyên trong bao
ni lông. Năm Đà cũng bắt chước ba thằng ôn dịch lột truồng ra, áo quần được bỏ vào một ngăn tủ. Nong xì po vô rồi cùng nhau vào phòng. Sợ mất tiền Năm lấy cái ví da nhét vô cạp xì po.
Trong phòng cũng đã có ba sinh vật giống đực khác đang ngồi trên một ghế dài. Khăn choàng vắt lên vai, Năm Đà chả hiểu đầu cua tai nheo làm sao. Bỗng nhiên có tiếng xì xì vang lên, rồi không biết từ đâu có một luồng hơi bay ra tràn ngập khắp căn phòng. Mùi kinh giới, mùi lá sả, lá khuynh diệp tỏa ra nồng nàn thơm ơi là thơm. Năm hít một hơi dài và ngay tức khắc tỉnh rượu.
Nghĩ thầm thì cũng như khi cảm mạo bà xã nấu cho nồi nước lá xông. Xông hơi như vầy kể quá thú. Hơi nóng bay ra và căn phòng ngập trong mịt mù sương. Thấy thiên hạ dùng khăn choàng lau mồ hôi Năm cũng lau. Hai mươi phút trôi qua, không hiểu sương mờ biến dần đi đâu ráo trọi. Theo chân mấy thằng cốt đột, Năm được bồi dẫn đến một căn phòng khác.
Đó là phòng tắm cá nhân với vòi nước nóng lạnh. Thợ hồ chuyên trang trí nội thất nên Năm rành. Với đủ loại xà bông dành cho các ngôi sao thế giới ken dày trên kệ. Năm bốc đại một lọ rồi tha hồ kỳ cọ. Rất chi sang trọng, tắm xong, thượng đế lột cái xì po quăng vô sọt rác và nong một cái mới tinh khác vào. Ung dung xô cửa bước ra. Đến nước này thì Năm nghe thằng người mình đã bước một bước lâng lâng vào cái văn minh mới.
Tay nắm cái ví cả chục triệu bạc. Gã bồi đưa Năm cứ như đi vào một mê cung. Lại dừng trước một căn phòng, gã xoáy nắm đấm cửa và ra hiệu cho Năm vào.
Trong phòng có một giường nằm. Cái giường cũng thiết kế một cách kỳ cục. Năm Đà không hiểu người ta khoét một lỗ tròn làm chi chỗ đầu nằm. Đang thắc mắc thì đột nhiên tấm màn khẽ lay động, thì ra bên trong có một cửa khác và ở đó xuất hiện một cô gái đẹp như tranh, vận một chiếc váy ngắn cũn cỡn. Người đẹp cười tươi như hoa:
- Nằm đi anh.
Cái giường này thì nằm làm sao? Rõ gã hai lúa. Cô gái sành sỏi:
- Anh úp mặt vào khoang trống này.
Ra thế. Cái lỗ là để anh thoải mái khi nằm sấp cho nhân viên mát xa tẩm quất. Năm ta cả đời không biết vụ gái gú là chi ngoại trừ bà xã nhà. Nông dân với cái tà lỏn, xì po nay bận lần đầu, gần như trần truồng trước một cô gái nhỏ hơn con gái mình, Năm cực kỳ bối rối. Ngay lập tức già khắc muốn xô cửa bước ra. Nghĩ cũng thẹn chứ, nếu là một tay chơi hay một kiểu trâu già khoái gặm cỏ non thì chẳng nói làm chi. Tuy cũng chỉ là một sinh vật giống đực, cũng hỉ nộ ái ố sân si. Nhưng cái vụ của lạ này ngó vậy chứ đâu phải vậy, đâu phải ai cũng như ai. Cái gì nó cũng phải từng bước một mới dần quen để con người hóa thú. Không tin đi hỏi tất cả các giang hồ từ hảo hớn đến hảo không hớn, thằng nào lần đầu đụng vô ngà ngọc thịt da mà không rúm người lại. Như Năm già sấp người trên chiếc giường mà đâu có biết chi khoái khẩm khi tay của người đẹp mân mê trên cái lưng khét mùi nắng gió. Và người đẹp gợi chuyện:
- Anh ở đâu?
Năm Đà xoay người:
- Chú ở gần đây. Cháu bao nhiêu tuổi rồi?
- Tuổi tác làm chi anh, ở đây không chú cháu anh ơi.
Năm Đà muốn ngạt thở, hỏi:
- Cháu làm nghề này lâu chưa?
- Anh hỏi làm gì?
Năm ngồi dậy:
- Chú nói thật với cháu, đây là lần đầu tiên chú bước vào không khí này. Chú không thể để một đứa bằng tuổi con gái mình hầu hạ. Cháu thông cảm cho chú. Cho chú hỏi, chú sẽ phải trả cho cháu bao nhiêu công việc này?
Cô gái nhìn ông già rất lâu. Rồi trả lời:
- Cháu không có lương, cháu chỉ nhờ vào phần boa của khách.
- Chỉ vậy thôi?
- Dạ, nếu khách mời đi chơi thì khá hơn.
- Chú hỏi thêm một câu được không?
- Dạ.
- Tại sao cháu sa vào bước này?
- Nghề này dễ kiếm tiền chú ạ.
- Trước mắt là vậy, nhưng rồi sau sẽ ra sao?
- Cháu không biết. Kệ, ra sao thì ra.
Năm Đà lôi cái ví trong cạp xì po, nhét vào tay cô gái mười tờ giấy trăm:
- Phần của cháu đây. Cháu mở cửa cho chú, chú phải về.
Cô gái trả lại tiền cho Năm Đà:
- Nhiêu đây là hai lần cháu đi chơi với khách ở nhà nghỉ. Cháu trả cho chú, còn tiền boa, lát nữa chú chung ở quầy tiếp. Tiền này sẽ được xé ra chia phần cho bảo vệ.
- Bảo vệ?
- Dạ là người đưa chú đến đây.
- Chú hiểu, nhưng cháu có thể giữ lại cho riêng mình.
- Cháu có thể, nhưng với chú thì không được.
- Tại sao?
Cô gái đăm đăm nhìn Năm Đà:
- Tại vì em…
- Đừng có em. Cháu còn nhỏ tuổi hơn con gái chú.
- Em biết, nhưng vì em là học trò của thầy. Thầy là thầy Đà ở X. phải không?
Năm Đà kinh ngạc nhìn cô gái. Đời có những cuộc hội ngộ như thế này ư? Đời này chuyện hay dở gì cũng xảy ra được hết.
N.T
>> Kẻ cắp gặp bà già" - Truyện ngắn của Y Ban
>> Rót rượu - Truyện ngắn của Hồ Anh Thái
>> Úm..."- Truyện ngắn của Quế Hương
>> Khi thị trường nóng lạnh, sổ mũi! - Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền
>> Ba người đàn bà" - Truyện ngắn của Vĩnh Quyền
>> Kỷ niệm 65 năm Báo Văn Nghệ và trao giải cuộc thi truyện ngắn
>> Trong giấc mơ không gặp cây vú sữa - Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên
>> Người đẹp ở tầng trệt - Truyện ngắn của Đỗ Trí Dũng
>> Gió - Truyện ngắn của Ý Nhi
>> Linh huyết - Truyện ngắn của Phan Cao Toại
>> Gốc đá - Truyện ngắn của Trung Trung Đỉnh
>> Chuyện đàn bà - Truyện ngắn của Phan Thị Thanh Nhàn
>> Đãi kiến một bữa" - Truyện ngắn của Quế Hương
Bình luận (0)