Màu mỡ truyền hình trả tiền

03/03/2013 03:05 GMT+7

Nếu như năm 2003, VN chỉ có 79.000 thuê bao truyền hình trả tiền thì đến nay, tổng số thuê bao đã lên hơn 3,7 triệu, mang lại doanh thu ước khoảng 53.000 tỉ đồng mỗi năm; thế nhưng người xem vẫn đang phải chịu nhiều thiệt thòi.

Màu mỡ truyền hình trả tiền

Các đài truyền hình trả tiền có VTV tham gia đang thống lĩnh thị trường - Ảnh: D.Đ.M

Doanh thu khủng

 

Tách VTV với các công ty THTT trực thuộc

Báo cáo của Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị tách biệt hoạt động của VTV và các công ty THTT trực thuộc VTV do tổng thị phần của tất cả các DN mà VTV là chủ sở hữu hoặc tham gia góp vốn lên tới 58%. Không chỉ có ưu thế về vốn, VTV còn không chịu sự kiểm soát ngặt nghèo về cấp phép chương trình cũng như kiểm soát nội dung. Với tổng thị phần hiện nay, VTV có thể hoàn toàn chi phối thị trường, cũng như sử dụng sức mạnh thị trường hiện có trong việc đàm phán với các đối tác, DN khác trong tất cả các lĩnh vực và dịch vụ của hoạt động THTT. Việc tách biệt hoạt động của VTV sẽ giúp hoạt động cạnh tranh giữa các DN trên thị trường và các công ty con của VTV trở nên minh bạch hơn, đảm bảo môi trường bình đẳng hơn.

Mặc dù phát triển mạnh về thuê bao, nhưng quản lý nhà nước và tính minh bạch của thị trường thì ngược lại, khi loại hình dịch vụ này luôn lộ rõ những yếu kém, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh.   

Theo con số ước tính của Báo cáo cạnh tranh 2012 do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) thực hiện, tổng doanh thu của toàn thị trường truyền hình trả tiền (THTT) trong nước đạt gần 2 tỉ USD năm 2011 và tăng lên 2,5 tỉ USD vào 2012 (tương đương 53.000 tỉ đồng). Nguồn thu này có được chủ yếu từ quảng cáo, khoảng 850 triệu USD trong năm 2011 và hơn 1 tỉ USD vào năm ngoái.

Triển vọng phát triển thị trường THTT ở VN là rất lớn. Trong tổng số 20 triệu thuê bao truyền hình, VN mới chỉ đạt 3,7 triệu thuê bao THTT, chiếm 13,5%. So với các nước châu Á từ 40 - 60% thì tỷ lệ này tương đối thấp. Do đó, khoảng trống thị trường còn rộng và tỷ lệ này dự báo tăng trưởng lên 20 - 25% vào năm 2015. Đặc biệt, thị trường nông thôn còn bỏ ngỏ.

Theo Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2009, thì đến năm 2020 sẽ hoàn toàn chuyển sang sử dụng công nghệ số. Số hóa truyền hình đồng nghĩa với việc dịch chuyển từ truyền hình quảng bá sang THTT.

Chỉ trong vòng 2 năm, số lượng các kênh truyền hình được phát trên sóng THTT của VCTV (Truyền hình cáp VN), SCTV (Truyền hình cáp Saigontourist), HTVC (Truyền hình cáp TP.HCM), VTC tăng gấp đôi. “Nhưng chất lượng và nội dung của các kênh trong nước hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu người xem”, báo cáo trên khẳng định. Trong khoảng 100 kênh truyền hình hiện có trên mạng THTT, có tới hơn 70% là các kênh nước ngoài.

Chưa hết, rất nhiều nội dung trên các kênh truyền hình trong nước được lấy lại từ nội dung của các kênh nước ngoài. Thêm vào đó là chất lượng hình ảnh, chất lượng sóng kém, nhất là truyền hình cáp. Trong năm 2012, Viettel, AVG (An Viên), FPT và có thể sắp tới là VNPT tham gia vào lĩnh vực THTT.

Người xem chịu thiệt

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN

Dĩ nhiên, một khi sản phẩm hay dịch vụ nào đó rơi vào tình trạng độc quyền trên thị trường, thì người tiêu dùng luôn phải chịu thiệt đầu tiên. Ở VN, ngoại trừ một số lĩnh vực đặc thù, các sản phẩm khác khó mà được phép độc quyền, bởi mọi DN đều có thể tham gia vào thị trường. Quản lý nhà nước cũng không để cho DN nào độc quyền. Tôi cũng thấy lạ là tại sao trong lĩnh vực này (THTT - PV), các DN lại có thể độc quyền. Điều đó cũng cho thấy độ vênh khá rõ giữa các đơn vị của nhà nước và tư nhân (các kênh THTT của VTV và các kênh có sự tham gia của tư nhân khác như AVG... - PV).  

N.T.Tâm (ghi)

Dẫn đầu thị trường THTT hiện nay là SCTV, với thị phần trên 32%. Đây là một liên doanh giữa VTV và Tổng công ty du lịch Sài Gòn. Đứng vị trí thứ hai là VCTV, khoảng 19%. Thứ ba là HTVC, chừng 14%. Như vậy, thị trường đã hình thành doanh nghiệp (DN) có vị trí thống lĩnh là SCTV (trên 30% được xác định là thống lĩnh thị trường). Còn nếu tính tổng thị phần của tất cả các DN mà VTV là chủ sở hữu hoặc tham gia góp vốn đã lên tới 58% (bao gồm SCTV, VCTV và VSTV - Truyền hình số vệ tinh VN). Đây là tỷ lệ rất cao và có thể chi phối thị trường. Chính vì vậy, các DN này sẽ có ưu thế cạnh tranh rất lớn so với các DN khác, nhất là những ai mới gia nhập thị trường.

Cạnh tranh dễ thấy nhất chính là việc ký các hợp đồng bản quyền truyền hình của các chương trình hấp dẫn, trong đó có bản quyền các giải bóng đá thế giới. Điển hình, 3 năm trước VSTV (sở hữu kênh K+, liên doanh với Pháp) với tiềm lực tài chính mạnh đã mua độc quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh ngày chủ nhật với giá 8 triệu USD trong 3 năm. Đó là con số cực lớn nếu so sánh với số tiền hơn 1 triệu USD mà VTC đã bỏ ra để mua bản quyền này trong những năm trước.

Bỏ ra số tiền lớn, VSTV đã chấp nhận chịu lỗ trong thương vụ này dù đã tăng giá thuê bao cao gấp đôi so với các DN khác. Thực tế, các DN không có sự liên kết, hợp tác trong đàm phán mua bản quyền chương trình truyền hình mà ngược lại lao vào cuộc đua cạnh tranh, đẩy giá mua bản quyền lên cao để có thể giành được hợp đồng độc quyền, ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Chưa hết, chỉ sau 3 năm, giá bản quyền giải Ngoại hạng Anh đã được K+ mang về VN độc quyền lên tới gần 40 triệu USD trong các mùa giải 2013 - 2016. Kết cục của những thương vụ độc quyền như thế này là người xem chịu thiệt. Một chuyên gia về cạnh tranh cho rằng, một khi chi phí mua bản quyền quá lớn, sẽ khiến giá thuê bao THTT tăng theo để nhà đài thu hồi nhanh vốn đầu tư. Do đó, người xem phải trả phí cao để có thể xem các chương trình. Tuy nhiên, việc tăng giá thuê bao cũng không giúp các DN trong nước tham gia thị trường được hưởng lợi, mà chủ yếu vào tay DN nước ngoài. Trường hợp của K+ là một ví dụ.

“Nhu cầu xem bóng đá Anh của khán giả VN là có thật. Đây cũng là một sản phẩm đặc thù, người xem không có lựa chọn khác và thị trường cũng không thể sản xuất sản phẩm giống vậy để thay thế. Nhưng đó hoàn toàn là vấn đề thị trường. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn, điều chỉnh sang một chương trình bóng đá khác và nếu không đủ tiền thuê bao sẽ không xem. Đến lúc này, nhà cung cấp chương trình cũng sẽ tự điều chỉnh để có giá thuê bao hợp lý, nếu không sẽ không có khán giả”, một chuyên gia trong lĩnh vực cạnh tranh phân tích. Nhà nước không thể can thiệp vào vấn đề này và không thể kiểm soát hoặc ấn định giá, bởi hình thức mua bán theo kiểu đấu thầu. “Tuy nhiên, với trường hợp của K+, VTV cần phải thể hiện vai trò của mình vì đơn vị này là chủ quản của VSTV, đơn vị có góp vốn vào liên danh đẻ ra kênh K+”, chuyên gia cạnh tranh kết luận. 

Ý kiến khán giả

 

 

 

 

Tưởng nhiều hóa chẳng bao nhiêu

“Gia đình tôi thuê bao THTT của SCTV từ nhiều năm nay. Tết vừa rồi ngay từ mùng 1, tín hiệu truyền hình có vấn đề, màn hình bị nhiễu hạt nặng. Tôi gọi bộ phận kỹ thuật của SCTV thì được hứa hẹn nhiều lần nhưng không thấy ai đến sửa, mãi đến mùng 6 mới có người đến xem xét và hẹn qua  mùng 9 (thứ hai đầu tuần) do Phòng vật tư chưa làm việc nên không thể lấy thiết bị thay thế”.

Ngọc Trang (Q.6, TP.HCM)

“SCTV đột ngột tăng giá thuê bao truyền hình SD từ 88.000 đồng/tháng (tháng 10.2012) lên 109.000 đồng/tháng (tháng 11.2012) mà không hề báo cho người tiêu dùng. Đúng ra cần có thông báo và lộ trình để người tiêu dùng chọn lựa. Đằng này, họ (SCTV) hành xử theo kiểu độc quyền. Rất không công bằng cho đa số người dùng THTT vì tăng giá thuê bao truyền hình cáp nhưng chất lượng và số kênh phát sóng vẫn như cũ. Nhiều gia đình ở TP.HCM không có lựa chọn vì chỉ có duy nhất kênh truyền hình cáp của SCTV tại nơi cư ngụ. Gia đình tôi thuê bao thêm kênh HD của VTC và cũng bị đối xử như SCTV khi đột ngột giảm số lượng kênh HD từ hơn 20 trước đây xuống còn 12 kênh”.

Trí Đức (Q.3, TP.HCM)

 

“70 kênh analog của SCTV tưởng nhiều hóa ra xem được chẳng bao nhiêu. Nhiều kênh của SCTV dùng để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, chiếu lại những bộ phim cũ mèm. Lẽ ra khi tăng giá thuê bao truyền hình cáp, SCTV nên nâng cấp dịch vụ, tự sản xuất những chương trình riêng để phục vụ người xem, chứ lấy phim cũ hoặc chương trình cũ đã phát sóng trên các kênh VTV hay HTV chiếu lại trên kênh SCTV rồi quảng cáo 70 kênh là không sòng phẳng với người tiêu dùng”.

Nguyễn Văn Ngắn (Hóc Môn, TP.HCM)

Đỗ Tuấn (ghi)

N.Trần Tâm

>> Nan giải truyền hình trả tiền
>> SCTV tăng giá thuê bao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.