Reuters ngày 18.7 đưa tin, trong thời khắc đỉnh điểm của cuộc đảo chính đòi lật đổ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15.7, hai chiếc tiêm kích F-16 của phe đảo chính đã đưa máy bay của Tổng thống Tayyip Erdogan vào tầm ngắm khi ông Erdogan bay về Istanbul.
Một cựu quan chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Ít nhất hai chiếc tiêm kích F-16 của phe đảo chính có ý định tấn công máy bay của ông Erdogan khi chiếc máy bay đó đang trên đường bay về thành phố Istanbul. Các phi công F-16 của phe đảo chính đã khóa mục tiêu trên radar máy bay của Tổng thống Erdogan và cả với 2 chiếc tiêm kích F-16 khác bay theo bảo vệ máy bay tổng thống".
Tuy nhiên máy bay của Tổng thống Erdogan đã đáp xuống sân bay ở thành phố Istanbul an toàn vào rạng sáng ngày 16.7. Cựu quan chức nói trên nói với Reuters rằng: "Lý do quân đảo chính đã không bắn máy bay của ông Erdogan là một điều bí ẩn".
|
Một quan chức cấp cao trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận với Reuters rằng chiếc máy bay của Tổng thống Erdogan vào thời điểm đó đã bị hai chiếc F-16 do quân đảo chính điều khiển quấy rối. Một quan chức khác thì nói rằng máy bay của ông Erdogan đã "gặp trục trặc ngay trên không" nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Đêm 15.7, khi cuộc đảo chính nổ ra, ông Erdogan lúc đó đang nghỉ mát cùng gia đình ở Marmaris. Ông trở về trong đêm và xuống sân bay ở Istanbul vào rạng sáng 16.7.
Quan chức cấp cao chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ còn kể Tổng thống Erdogan đã nói rằng những kẻ đảo chính đã cố gắng tấn công ông ở thị trấn Marmaris, nơi ông đang nghỉ mát. Chỉ ít phút sau khi ông rời đi thì phe đảo chính ném bom tại khu vực này và Tổng thống Erdogan đã “thoát chết trong gang tấc”.
Trong khi đó, đài CNN Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin khoảng 25 binh sĩ trên các trực thăng đã tới và tấn công một khách sạn ở Marmaris trong nỗ lực bắt giữ tổng thống.
Reuters dẫn lời quan chức cấp cao nước này cũng nói rằng trong tình thế loạn lạc của vụ đảo chính, Thủ tướng Binali Yildirim cũng trở thành mục tiêu tấn công tại Istanbul, nhưng đã kịp thời trốn thoát.
tin liên quan
Thổ Nhĩ Kỳ: Istanbul trong tình trạng khẩn cấp, điều động 1.800 đặc nhiệmThổ Nhĩ Kỳ tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp ở thành phố Istanbul, triển khai thêm 1.800 cảnh sát đặc nhiệm và ra lệnh bắn hạ các trực thăng không được phép bay trên không phận.
Vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra từ đêm 15.7 và kéo dài sang ngày 16.7 khiến ít nhất 265 người thiệt mạng và 1.440 người bị thương. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã bắt giữ hơn 6.000 người liên quan đến vụ đảo chính, trong đó có các thẩm phán lẫn tướng tá quân đội.
Bình luận (0)