X-47B trong tương lai có thể sẽ là loại máy bay không người lái chủ lực của hải quân Mỹ. Việc thiết kế X-47B chính thức bắt đầu từ năm 2007, nhưng nó chỉ có thể cất cánh vào đầu năm 2011 và tiếp tục thử nghiệm, hoàn thiện thêm trong 2 năm nữa. Đây không hẳn là vấn đề kỹ thuật, mà cần phải chờ đợi giới chức hải quân Mỹ đưa ra câu trả lời: X-47B có thực sự cần cho quân đội hay không.
Chuyến bay đầu tiên
X-47B thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 4.2.2011 trong vòng 29 phút. Theo nhà sản xuất X-47B - hãng Northrop Grumman, chiếc máy bay ném bom không người lái này hoạt động đúng như dự kiến. X-47B đạt độ cao 1.500m và các chuyên gia đã kiểm tra các trang thiết bị và hệ thống điều khiển của nó.
Vài nét về X-47B UCAS-D Chiều dài sải cánh: 18,93m |
Sau chuyến bay trên, X-47B sẽ được đưa tới căn cứ của hải quân ở Patuxent River, bang Maryland, Mỹ để tiếp tục thử nghiệm. Song song đó, chiếc X-47B thứ hai sẽ ra đời và kết thúc giai đoạn thử nghiệm vào năm 2013. Dự kiến chiếc máy bay này sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên một hàng không mẫu hạm của Mỹ. Nếu như hải quân Mỹ chấp thuận, vào năm 2018, X-47B sẽ được biên chế vào lực lượng này.
X-47B UCAS-D được thiết kế, sản xuất bằng công nghệ cao, có khả năng "tàng hình" với radar. Nó được trang bị động cơ Pratt & Whitney F100-220U và tiếp nhiên liệu trên không được. Quan trọng hơn, máy bay này được trang bị hệ thống do thám hiện đại, các tên lửa và bom tự hành. Dự kiến, X-47B có thể sẽ có thêm hệ thống tấn công bằng vũ khí laser, vũ khí sóng ngắn. X-47B có tốc độ bay trung bình là 520 km/giờ, còn tốc độ cao nhất của nó là 900 km/giờ với tầm bay 3.900 km.
Theo tính toán, chiếc máy bay không người lái X-47B có thể hoạt động liên tục từ 2 - 4 ngày đêm trên độ cao 12.200m. Điều khá thú vị là chiếc X-47B có kích cỡ như chiếc tiêm kích, nhưng nó lại đóng vai trò bơm xăng trên không cho chính các tiêm kích của hải quân hay không lực Mỹ cũng như các loại máy bay tàng hình khác có trang bị hệ thống tiếp xăng.
X-47B - Ảnh: Shutterstock |
Dù X-47B được thiết kế vào năm 2007, nhưng dự án khởi động sớm hơn khi hãng Northrop Grumman từ giữa năm 2000 đã bắt đầu đưa ra các phác thảo của chiếc máy bay không người lái này. Thời điểm đó, hải quân Mỹ ký hợp đồng trị giá 4 triệu USD với Northrop Grumman và Boeing để thiết kế mẫu máy bay không người lái. Sau đó Boeing đưa ra chiếc X-45 và chuyến bay đầu tiên là vào tháng 5.2002. Còn Northrop Grumman giới thiệu mẫu X-47A Pegasus, cất cánh lần đầu vào tháng 2.2003.
Dự án thiết kế máy bay không người lái cho hải quân Mỹ ngừng lại vào năm 2006. Bởi quân đội Mỹ khi đó tham gia dự án cũng có kế hoạch thiết kế sản xuất loại máy bay tương tự. Hải quân Mỹ và quân đội nước này không thể thỏa thuận để thống nhất về quan điểm đối với loại máy bay không người lái này. Chính vì thế đến năm 2007, hải quân Mỹ và Northrop Grumman mới ký hợp đồng mới để sản xuất chiếc X-47B hiện nay.
Trong năm 2010, Northrop Grumman tiếp tục hoàn thiện một số công nghệ. Chẳng hạn, vào tháng 6 năm này, hãng bắt đầu thiết kế hệ thống tự động tiếp nhiên liệu, cho phép các máy bay không người lái tự thực hiện quy trình này trên không. Chiếc máy bay không người lái Global Hawk Block 10 sẽ được sử dụng để thử nghiệm công nghệ tiếp xăng trên không.
Tương lai chưa định đoán
X-47B UCAS-D là loại máy bay sử dụng công nghệ cao và ra đời theo hợp đồng của hải quân Mỹ. Chính vì thế, trong vài năm tới cho tới khi hoàn tất dự án này, lãnh đạo hải quân Mỹ phải đưa ra quyết định: Họ có thực sự cần loại máy bay này hay không. Tuy thế ngay từ bây giờ có thể khẳng định trong tương lai, hải quân Mỹ sẽ sử dụng khá sâu rộng loại máy bay không người lái. Chỉ có điều chưa biết sẽ là X-47B hay sẽ là loại máy bay không người lái nào khác.
Về hình thức, vào ngày 19.3.2010 lãnh đạo hải quân Mỹ đã đấu thầu việc sản xuất máy bay không người lái. Theo yêu cầu của giới chức quân sự, những chiếc máy bay không người lái loại mới cần phải bay liên tục từ 11 - 14 giờ và phải có khả năng chở được các trang thiết bị, vũ khí. Ngoài ra, chúng còn phải có khả năng "tàng hình", nghĩa là giảm đến mức thấp nhất khả năng bị đối phương dò tìm, phát hiện. Đồng thời loại máy bay này cần phải tiếp được nhiên liệu trên không và bơm nhiên liệu cho các loại máy bay không người lái khác.
Hiện tham gia đấu thầu có Northrop Grumman và General Atomics - hãng nộp đơn vào tháng 5.2010. General Atomics sẽ giới thiệu chiếc máy bay không người lái Sea Avenger, thiết kế dựa trên nền tảng của chiếc MQ-9 Reaper. Máy bay của General Atomics sẽ là loại cánh có thể gập được, khung gầm gia cố chắc hắn, có hệ thống điều khiển hạ cánh đặc biệt và khả năng "tàng hình".
Không loại trừ, "người khổng lồ" Boeing sẽ tham gia đấu thầu dự án nêu trên và sẽ thiết kế chiếc máy bay không người lái Phantom Ray. Hiện Boeing đang thiết kế độc lập loại máy bay này.
Tuy chưa có phương án chính thức về chọn lựa máy bay của hãng nào, nhưng số phận của loại máy bay không người lái là khá tươi sáng. Bởi tiếp nhận loại máy bay này không chỉ là ý nguyện của lãnh đạo hải quân Mỹ mà còn là của giới chóp bu Bộ Quốc phòng Mỹ. Vì trong chiến lược phát triển lâu dài, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ "đặt cược" vào loại máy bay này. Theo kế hoạch của Lầu Năm Góc, trong vòng 30 năm tới, số lượng máy bay không người lái của Mỹ sẽ tăng 4 lần, đạt 26.000 chiếc.
Ngữ Tử Yên
Bình luận (0)