(TNTS) Chuyện ở sạch - ở bẩn, mà nguồn cơn của cái sự sạch - bẩn đó lại là... chuyện tiết kiệm khiến Thoa với mẹ chồng “chủng chẳng” suốt từ khi cô về làm dâu tới giờ. Mà lạ, chuyện gì mẹ con cũng dễ đồng quan điểm, chỉ có chuyện “sạch - bẩn” là chẳng ai chịu ai, đến nỗi chồng cô cũng phải kêu lên là “bó tay chấm... kệ”!
Minh họa: Văn Nguyễn
|
Giống như nhiều bà mẹ đã từng trải qua thời kỳ khốn khó vất vả, bà Mai - mẹ chồng Thoa có tính tiết kiệm đặc biệt. Điện, nước, đồ ăn thức uống, cái gì bà cũng nêu cao tinh thần tiết kiệm. Mỗi khi rửa rau, bà dành phần nước thừa cuối cùng để rửa bát, hoặc rửa nước đầu cho món rau khác. Nước thừa rửa chén bát, bà gom vào cái thùng để... tưới cây hay dội bụi đất ngoài sân. Những món ăn, dù thừa một chút xíu, bà cũng gói ghém cất đi, có khi để ngày nọ qua ngày kia chưa đụng tới nhưng vẫn không vứt bỏ. Điện, bà để trời thật tối mới dám bật, có hôm đi làm về, Thoa thấy mẹ lọ mọ trong bếp với ánh chiều tà nhìn chẳng rõ, khi cô bật điện lên thì thấy phần rau mẹ nhặt còn dính cả lá sâu... Thực ra bà rất kỹ lưỡng, nhưng sự tiết kiệm khiến bà làm gì cũng ngọ ngằn, đo đếm. Giặt đồ, lau nhà, bà dùng rất ít nước, theo bà thì lấy công làm sạch, cứ chà kỹ ngâm lâu là sạch, nước nhiều chả có ích gì.
Thoa thì khác, làm gì cũng phải dạt dào thoải mái. Rửa chén bát bốn năm lần nước, tráng, xong thì đổ hết nước thừa đi. Drap giường, cứ phải tuần thay một lần, giặt xối xả bằng tay rồi mới cho vào máy giặt lại. Rửa sân, tưới cây, vào tay cô thì cứ xịt nước thoải mái, lênh láng mới... đã. Khăn mặt, giẻ lau... thay liên tục, chỉ hơi ngả màu là vứt bỏ. Những đồ tích trữ lâu trong tủ lạnh, cận đát là cô thu dọn cho vào thùng rác.
Bởi vậy, nhà cửa suốt ngày nghe “khẩu chiến” của Thoa với mẹ chồng. “Mẹ làm thế làm sao mà sạch?”, “Con làm vậy tốn mà vẫn chẳng hơn gì mẹ”... “Cái này hết cả dinh dưỡng rồi, ăn vào có khi còn đau bụng, chẳng bõ mẹ ạ”, “Sao con lại đổ cái âu thức ăn của mẹ đi? Con phí phạm thế. Thời xưa thì chả có mà ăn, ở đó lo mất dinh dưỡng”... Sau những tranh cãi về chuyện tiết kiệm, thì phần để “giành” chiến thắng là về cái sự sạch sẽ, vệ sinh. “Giặt nhiều xà bông chỉ chóng làm rách vải, hư đồ”, bà Mai nói với con dâu khi thấy cô dầm một chậu trắng xóa xà phòng, trong khi Thoa cũng không nể nang gì mẹ, đem so sánh cái áo gối ngả màu kem của bà với bộ drap giường trắng tinh của cô. Nhiều lần, bà Mai giận dỗi: “Vợ chồng cô cậy làm nhiều tiền, nên cái gì cũng xài thoải mái. Như mẹ lương hưu chả có bao nhiêu, chả dám xài hoang phí”. Nhưng bà lại “vấp” phải cô con dâu sẵn sàng tăng tiền tháng đưa cho mẹ, luôn chứng minh rằng ở nhà chẳng bao giờ thiếu thứ gì, cái gì cô cũng mua sỉ, chất đầy kho, tủ. “Cuộc chiến” sang hồi con dâu giở sách vở báo chí khoa học ra chứng minh: nào là rửa rau trái thì phải xối từng lá, từng quả dưới vòi nước, nào là tác hại của việc để thức ăn trong tủ lạnh lâu, khi hâm lại thì chất độc nảy sinh... Cứ như vậy, không ai chịu “thua” ai.
Cũng may, mẹ chồng nàng dâu đều hiểu rằng đấy chỉ là chuyện sinh hoạt hằng ngày, “cãi” xong rồi vẫn cứ mạnh ai nấy làm, coi là chuyện nhỏ, đàn ông trong nhà chỉ phiền lòng chút chứ cả nhà vẫn được hưởng lợi từ cuộc “cạnh tranh” này. Còn đem chuyện đi ra ngoài bêu riếu, kể lể, thì có khi đó lại thành chuyện... to.
Bình luận (0)