Máy tính lượng tử chưa thể đánh bại tiền mã hóa

01/04/2022 15:52 GMT+7

Trên tạp chí công nghệ MIT Technology Review , nhà vật lý kiêm chuyên gia lượng tử Sankar Das Sarma cho rằng máy tính lượng tử "còn lâu" mới có thể bẻ khóa hệ mã hóa RSA - thuật toán góp phần vào sự bảo mật của tiền số ngày nay.

RSA là hệ mã hóa bất đối xứng được dùng để tạo khóa riêng tư (private key) và khóa công khai (public key) cho ví điện tử chứa tiền mã hóa.

Nhiều người tin rằng một ngày nào đó máy tính lượng tử sẽ phát triển đến mức có thể hack được tiền mã hóa, khiến hàng tỉ USD tài sản số bị đánh cắp và đưa công nghệ blockchain đến bờ vực sụp đổ. Vậy nên đã có nhiều dự án tìm cách phát triển mật mã và blockchain kháng lượng tử.

Máy tính lượng tử có thể sẽ hack được tiền mã hóa, nhưng chưa phải bây giờ

chụp màn hình

Sankar Das Sarma, nhà vật lý đến từ Đại học Maryland (Mỹ) cho rằng từ khóa "máy tính lượng tử" đang bị phóng đại quá mức, chỉ sau "trí tuệ nhân tạo". Ông nhìn nhận sự phát triển của máy tính lượng tử là "một thành tựu khoa học to lớn", nhưng điều đó không có nghĩa công nghệ này có thể giải quyết mọi vấn đề. Ông khẳng định việc bẻ khóa hệ mã hóa RSA đang vượt xa khả năng tính toán hiện tại của máy tính lượng tử.

Theo lý thuyết, điện toán lượng tử có khả năng tìm thừa số nguyên tố của các số lớn nhanh hơn rất nhiều so với các máy tính hiện nay, nhờ đó máy tính lượng tử có thể phá vỡ hệ mã hóa RSA. Lý thuyết là vậy, nhưng để áp dụng vào thực tế lại là chuyện khác.

Sarma giải thích: "Những máy tính lượng tử tiên tiến nhất hiện nay có hàng chục qubit, phần lớn các qubit này được dùng cho quá trình "sửa lỗi lượng tử"".

Máy tính lượng tử muốn bẻ khóa RSA cần hàng triệu, thậm chí hàng tỉ qubit. Vài chục nghìn qubit trong số đó sẽ được sử dụng để bẻ khóa, các qubit còn lại sẽ được dùng để sửa lỗi lượng tử. Số lượng qubit mà các máy tính lượng tử hiện nay tạo ra vẫn còn cách rất xa với số qubit cần thiết để hack tiền mã hóa.

Dù vậy, Sarma vẫn tin tưởng vào tiềm năng của điện toán lượng tử. Theo ông, máy tính lượng tử thực thụ trong tương lai sẽ có những ứng dụng mà ngày nay chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Cũng giống như không ai có thể ngờ những linh kiện bán dẫn đầu tiên được tạo ra vào năm 1947 có thể dẫn đến sự ra đời của laptop và smartphone sau này.

Sarma nói: "Tôi rất hy vọng và tin tưởng vào điện toán lượng tử như một công nghệ có khả năng đột phá, nhưng tôi không hiểu sao nhiều người tuyên bố rằng máy tính lượng tử sẽ tạo ra hàng triệu USD lợi nhuận cho các công ty bán dịch vụ hay sản phẩm trong tương lai gần".

Trước dự đoán máy tính lượng tử có thể "hack" tiền mã hóa, nhiều công ty đã tìm cách nâng cao bảo mật blockchain. Theo CoinTelegraph, tháng trước JP Morgan đã công bố nghiên cứu về mạng lưới blockchain có khả năng chống lại các cuộc tấn công lượng tử. XX Labs cũng vừa ra mắt một blockchain kháng lượng tử và tập trung vào quyền riêng tư của người dùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.