Mẹ đơn thân làm giấy khai sinh cho con bằng cách nào?

Ngân Nga
Ngân Nga
30/06/2023 04:26 GMT+7

Mẹ đơn thân muốn trên giấy khai sinh của con thể hiện thông tin của cả cha và mẹ, thì phải có người nhận là cha của trẻ và kèm theo thủ tục đăng ký nhận con.

Tôi đang mang thai, chuẩn bị sinh con. Tuy nhiên, tôi là mẹ đơn thân, không có đăng ký kết hôn. Để con sau này đi học không bị bạn bè cười chê, vậy tôi có thể ghi tên người cha của con trong giấy khai sinh được không? Thủ tục ra sao?.

Bạn đọc Ngọc Bích thắc mắc với Thanh Niên.

Luật sư tư vấn

Luật sư Đặng Thị Thúy Huyền (Công ty luật TNHH HPL và cộng sự) tư vấn, nếu không có giấy đăng ký kết hôn, thì vào thời điểm làm đăng ký khai sinh, người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì cơ quan có thẩm quyền kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.

Nếu chưa xác định được cha cho con, thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo mẹ. Phần ghi về cha trong sổ hộ tịch và giấy khai sinh của trẻ để trống.

Như vậy, bạn là mẹ đơn thân, nếu muốn trên giấy khai sinh của con thể hiện thông tin của cả cha và mẹ, thì phải có người nhận là cha của trẻ tại thời điểm đi đăng ký khai sinh và kèm theo thủ tục đăng ký nhận con. Bởi lẽ, việc nhận cha cho con sẽ làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa người cha và con.

Mẹ đơn thân làm giấy khai sinh cho con bằng cách nào? - Ảnh 1.

Khi đăng ký khai sinh cho trẻ, mà người cha yêu cầu đăng ký nhận con thì UBND cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ giải quyết

NGÂN NGA

Trường hợp người cha đồng ý nhận con, thì thủ tục đăng ký nhận con diễn ra theo như điều 15 thông tư 04 năm 2020 của Bộ Tư pháp. 

Cụ thể, khi đăng ký khai sinh cho trẻ, mà có người yêu cầu đăng ký nhận con thì UBND cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ kết hợp giải quyết. Trường hợp, mà một bên có yêu cầu là người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, thì thẩm quyền thuộc UBND cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.

Hồ sơ đăng ký khai sinh và kết hợp đăng ký nhận con phải nộp bao gồm:

Thứ nhất, tờ khai đăng ký khai sinh.

Thứ hai, tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Thứ ba, giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 điều 16 luật Hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

Thứ tư, văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc lựa chọn quốc tịch cho con (nếu cha là người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài).

Thứ năm, chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại điều 14 thông tư 04 năm 2020 của Bộ Tư pháp (Ví dụ: kết luận giám định ADN của cơ quan y tế…).

Thứ sáu, hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân của cha (nếu cha là người nước ngoài).

Cũng theo luật sư Đặng Thị Thúy Huyền, nếu cha của cháu bé không đồng ý nhận con, thì bạn có thể nộp đơn yêu cầu TAND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi người cha có hộ khẩu thường trú để xác định cha cho con. Sau khi có phán quyết của tòa thì bạn mới căn cứ vào đó để làm giấy khai sinh cho con.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.