Mẹ dẫu khổ cực thế nào cũng là mẹ. Ngày Vu Lan báo hiếu hằng năm đang đến, những bài hát về Mẹ lại vang lên và hạnh phúc cho những ai đang còn mẹ. Cuộc đời tần tảo ngày qua ngày, những người mẹ giữa đời thường vẫn sống với ước mong con cái được trưởng thành, hạnh phúc.
Như nhiều cô gái khác cùng quê, vừa học xong cấp ba, chị Trần Thị Bích (26 tuổi) theo chồng về Vĩnh Long. Lúc đến với nhau chẳng có gì, ngay cả chiếc nhẫn cưới cũng chỉ bằng inox như vật tượng trưng, đôi vợ chồng trẻ bảo nhau làm ăn để nuôi sống bản thân và con cái.
Thời gian đầu, chồng chị Bích làm thợ hồ ở gần nhà, nhưng công trình không nhiều, ngày được ngày không nên anh cũng phụ chị chăm lo cho công ruộng khoai lang. Vậy mà qua vài vụ, hai vợ chồng đã lỗ gần 20 triệu. Với gia đình nông dân chính hiệu, đây là con số gần như mất trắng cơ nghiệp.
tin liên quan
Người mẹ 30 năm ở vỉa hè Sài Gòn nuôi con, 'quyết không xin ăn'Ngay lúc cùng khổ nhất, người mẹ ấy vẫn không bỏ con. Dù phải sống ngoài lề đường, người mẹ già nua vẫn nhặt ve chai để nuôi đứa con bệnh tật. Bà muốn đi làm bằng chính đôi tay của mình, không muốn đi xin để mang nợ ai.
Ngày đầu ra công trường, toàn đàn ông, lác đác vài ba tấm thân đàn bà, thấy ai làm gì, chị Bích bắt chước làm theo. Vì làm cùng công trình nên chồng chị đã chỉ chị phải bê gạch thế nào để không bị đổ đến trộn xi làm sao để vừa đúng tỉ lệ. Đôi bàn tay cũng từ đó trở nên thô ráp và chai sần.
Gặp chị Bích ở công trình vào một ngày cuối tháng, dáng chị nhỏ bé đứng trên bãi cát chồng chềnh, xúc từng xẻng cát vào xe đẩy dưới cái nắng chói chang nhưng chẳng lộ chút mệt nhọc. Chị Bích trông vẫn trẻ và đầy nhiệt huyết đúng như cái tuổi 26 nhưng khuôn mặt chị lại toát lên sự trải nghiệm như những người đàn bà đã qua nhiều giông tố của cuộc đời.
|
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, vừa nấu cơm chị Bích vừa kể, thời gian đầu mới lên làm vợ chồng chị ở nhà trọ, trừ tất cả chi phí mỗi tháng chỉ dư được 2 triệu gửi về quê để ông bà chăm cháu. Đến bây giờ, cô con gái đầu lòng chuẩn bị lên lớp 1, bao nhiêu thứ phải lo nên vợ chồng xin vào công trình ở để tiết kiệm chi phí.
“Công trình toàn đàn ông, mình đàn bà mặc dù vào ở cùng chồng nhưng cũng bất tiện nhiều thứ, từ vệ sinh đến tắm giặt rồi cả sinh hoạt vợ chồng, tất cả đều bị xáo trộn”, chị Bích chia sẻ.
|
|
Theo lời chị Bích, con gái gần vào lớp 1 nên rất háo hức, cứ điện thoại kêu ba mẹ về sắm quần áo, sách vở nhưng công trình thiếu người nên chị cũng chưa về được, ráng đợi đến sát ngày con nhập học, sẽ xin nghỉ về dắt con đi mua sắm những thứ cần thiết rồi nắm tay con trong ngày đầu đi học.
|
|
Những lúc làm việc quần quật mồ hôi nhễ nhại nghĩ đến con chị lại có thêm động lực. Lấy điện thoại ra ngắm hình con, chị Bích nói: “Mình cực nhiêu cũng được, miễn lo cho con bằng bạn bằng bè là vui rồi. Mỗi lần gửi tiền về quê mình thường gửi thêm đồ chơi cho các con, tụi nó mừng dữ lắm”.
|
|
|
|
|
Một giờ chiều, chị Bích lại bắt đầu làm việc, cái nắng chói chang của buổi giữa trưa chiếu thẳng trên lưng khi chị cúi người xúc từng xẻng cát, dáng chị nhỏ bé giữa công trình đang ngổn ngang sắt thép. Đẩy xe cát đi tới đâu, chị lại nói chuyện rôm rả cả một góc.
Hết ngày làm việc, chị Bích lại thở phào: “Vậy là sắp tới ngày về thăm con...”
Bình luận (0)