Người vợ ba, phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Phương Anh, sẽ được chiếu vào 15 giờ chiều trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) quốc tế Kolkata, Ấn Độ (tác giả tham dự với tư cách nhà sản xuất bộ phim này - TS).
Không hề có thông tin gì về phía ban tổ chức về địa điểm chiếu phim, may thay tôi gặp vài bác đeo thẻ LHP nên bám theo xe họ tới rạp Nandan, nằm trong một tòa nhà to lớn đồ sộ có tên West Bengal Film Centre.
|
Tới nơi, tôi thật sự choáng ngợp trước một khung cảnh không hề giống với bất kỳ LHP nào tôi đã từng đến. Hàng ngàn khán giả đang xếp hàng vào xem phim một cách huyên náo, ồn ào trong cái nắng nóng lên đến 38 độ C, không khí đầy chất lễ hội hơn là một LHP. Vài lời giới thiệu phim trước buổi chiếu của tôi cũng đã bị gián đoạn đôi ba lần do những tiếng ồn ào tranh giành ghế ngồi trong rạp.
Phòng chiếu Nandan trang nghiêm và đồ sộ. Sức chứa của rạp ước chừng gần 1.000 ghế và đã chật kín người, thế nhưng khán giả vẫn ùn ùn đổ vào rạp. Họ đứng ngồi dọc hai bên hành lang, chiếm lĩnh bất kỳ không gian trống nào và cứ vậy cho đến hết buổi chiếu. Thi thoảng lại vang lên những tiếng cãi cọ nhau về một chỗ ngồi, rồi trật tự lại được tái lập.
Rời suất chiếu Người vợ ba trong cảm giác khó tả vì sự lạ lùng và nồng nhiệt của khán giả nơi đây, tôi quyết định nán lại xem bộ phim Climax (Pháp) chiếu lúc 19 giờ tối. Lúc 19 giờ kém 10 phút tôi từ phòng nghỉ của nghệ sĩ (ngay sát phòng chiếu) để bước vào rạp. Ngay lập tức tôi bị ngăn lại bởi một cảnh sát cao to, dù cố giơ thẻ của LHP ra tôi cũng bị gạt vào một góc. Chợt nhìn sang bên trái, nơi khán giả chuẩn bị vào rạp, hàng trăm người đang la ó vì bị chặn lại. Họ nói tiếng bản xứ Bangali tôi không thể hiểu, nhưng qua thái độ tôi biết họ đang rất giận dữ. 30 phút nữa trôi qua, tôi vẫn phải nép mình bên hành lang không thể tiến thoái, trong khi tiếng la thét của khán giả, của cảnh sát và ban tổ chức không hề thuyên giảm. Bắt đầu sốt ruột, tôi hỏi cô bé người địa phương đứng cạnh chuyện gì đang xảy ra, tại sao cảnh sát ngăn khán giả lại, tại sao mình vẫn ở đây trong khi bộ phim đáng lẽ phải chiếu cách đây vài phút rồi, liệu chúng mình có bị trễ buổi chiếu không?
Cô bé giải thích rằng do khán giả trong rạp, ước chừng nghìn người, nhất quyết không chịu rời rạp, họ muốn ở lại để xem xuất chiếu sau. Vậy nên cảnh sát và ban tổ chức phải mời họ ra khỏi rạp để khán giả suất chiếu sau được vào xem. Chừng 45 phút sau, khi tình hình bên trong đã tạm được giải quyết và cửa mở, hàng trăm khán giả với gương mặt hân hoan chiến thắng hò reo ùa vào rạp như ong vỡ tổ trong nỗi hoang mang và chạnh lòng của tôi. Dù sao tôi cũng đã nhanh chóng lách tìm cho mình một ghế trước khi bị đám đông kia đè bẹp... Nếu điện ảnh là một món quà thần thánh thì không đâu điều đó thể hiện rõ như ngay đây, tại lúc này qua những gương mặt đang sáng ngời hạnh phúc kia.
West Bengal có dân số khoảng gần 80 triệu dân, một năm sản xuất khoảng gần 100 phim, nhưng cứ tới mỗi kỳ LHP thì khán giả ở đây náo nức đi xem với tất cả sự nhiệt tình vì họ hiểu không dễ xem được những bộ phim chiếu tại LHP. Trong 7 ngày diễn ra liên hoan phim có khoảng 350.000 lượt khán giả tới rạp. Người dân ở đây phát cuồng vì phim ảnh, từ trẻ đến già, từ người lao động bình dân đến những nhà hoạt động chuyên môn, tất cả đều tìm đến rạp như một thánh đường để chiêm nghiêm cuộc sống qua điện ảnh. Không cầu kỳ phán xét, họ đến rạp để được xem tất cả những cuộc sống, nền văn hóa khác nhau mà trong một năm hiếm có dịp được xem. Một nhà báo của tờ Trans world feature trả lời khi tôi hỏi bà có tới dự lễ bế mạc đêm nay không: “Không, tôi sẽ ở lại rạp xem phim”. Còn cậu bé tình nguyện viên chuyên đưa đón tôi thì giải thích: “Em muốn làm tình nguyện viên để được đi xem phim, nhưng không ngờ công việc bận rộn quá, em không xem được phim nào ra hồn, khi nào phim của chị phát hành trên internet chị gửi link cho em xem nhé”.
Đối với người dân ở đây, một tuần qua là một tuần của hội hè điện ảnh, bởi vậy tôi đã hiểu tại sao họ nổi giận khi chưa được vào rạp hay kiên quyết bám trụ để chờ coi tiếp phim sau. Trong lúc nép mình bên hành lang vào rạp tôi tự hỏi có khi nào vé xem phim được phát ra miễn phí nên lượng khán giả mới đông vậy không, nhưng kỳ thực, mọi người dân đều phải mua vé, số tiền bán vé sẽ được chính quyền dùng vào các hoạt động từ thiện.
Chắc chắn niềm đam mê điện ảnh này có phần đóng góp từ tình yêu và niềm tự hào đối với đạo diễn tài năng Satyajit Ray, trong LHP tên của ông đã được nhắc nhiều một cách tôn kính. Căn nhà của ông ở khi còn sống cũng chỉ cách rạp Nandan có vài bước chân. Mọi thứ như thể đã có sự sắp đặt, để rồi kết hợp vào tạo ra một không khí dù ồn ã nhưng thiêng liêng như trong một thánh đường nghệ thuật, mà ở đây là các rạp chiếu phim. Đúng như slogan của LHP “A carnival of international film in the city of joy”, một LHP thực sự dành cho những người khán giả yêu phim.
Bình luận (0)